Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Trước khi thực hiện thông tư 36, Vietcombank có là một trong những ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất bao gồm sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng MB Bank, Eximbank, OCB, SaiGon Bank, công ty tài chính CFC và 7 tổ chức khác với tổng số tiền đầu tư là 2.829 tỷ đồng.
Theo lộ trình Vietcombank và các ngân hàng khác sẽ phải thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (1/2/2015). Tuy nhiên cho đến nay đã qua rất lâu thời hạn ấy, việc thoái vốn để giảm sở hữu chéo tại Vietcombank vẫn chưa được hoàn tất buộc nhà băng này phải chạy nước rút, nhanh chóng thoái vốn một loạt tại các TCTD trong thời gian ngắn.
Trong tháng 11 năm nay, Vietcombank đã thoái vốn thành công tại SaiGon Bank và Tài chính xi măng (CFC), thu về khoản lãi ước tính gần 150 tỷ đồng. Sắp tới đây, ngày 29/12 ngân hàng sẽ bán toàn bộ gần 18,9 triệu cổ phiếu OCB tương đương với 4,7% vốn điều lệ. Giá khởi điểm cho phiên đấu giá là 13.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank từng cho biết, ngân hàng sẽ tiến hành bán hết vốn tại Eximbank và MBBank vào đầu năm 2018. Theo ông Thành, trước đây, ngân hàng có kế hoạch giữ lại phần vốn tại hai ngân hàng trên vì MBBank là ngân hàng tốt, còn ở Eximbank, Vietcombank được khuyến nghị giữ lại để hỗ trợ nhà băng này tái cơ cấu. Hiện tại Vietcombank đang nắm 7,91% vốn tại MBBank, 8,19% vốn tại Eximbank.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được đánh giá tốt và có nhiều triển vọng trong năm tới. Theo báo cáo của HSC, số tiền thu được từ việc thoái vốn khỏi MBB và EIB có thể lên đến 2.200 tỷ đồng lợi nhuận. Tính toán của KIS trong báo cáo mới đây lại kỳ vọng, giá đấu thành công của cổ phiếu EIB sẽ ở mức 13.000 – 13.500 đồng/cp và MBB ở mức 27.000 - 27.500 đồng/cp, dự kiến lợi nhuận và VCB thu về được là khoảng 3.000 tỷ đồng cho việc thoái vốn này và sẽ được ghi nhận ngay trong quý I/2018.
Như vậy, việc tuân thủ Thông tư 36, dù muộn hơn so với quy định, cũng giúp Vietcombank có thể thu về vài ngàn tỷ đồng đóng góp thêm vào lợi nhuận trong thời gian tới.