200 triệu đồng một cây thông nhập
Giáng sinh đến gần cũng là lúc thị trường cây thông trang trí nở rộ với nhiều loại khác nhau, từ cây giả bằng giấy, nhựa đến cành hoặc cả cây thông tươi nguyên gốc…Trong đó, “sang xịn” nhất phải kể đến những cây thông tươi nhập khẩu có giá “trên trời”, đang được rao bán rầm rộ, phục vụ khách nhà giàu.
Chị Đỗ Thị Mai, quản lý hệ thống cửa hàng Lux Flowers chuyên cung cấp hoa tươi nhập khẩu , cho biết, loại thông tươi nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Nga và Đan Mạch.
Loại thông này cũng có nhiều giá, tùy vào độ lớn, chiều cao của từng cây, cây càng to, càng cao thì càng đắt. Năm nay, cây thông nhập khẩu có giá cao nhất được Lux Flowers bán là gần 200 triệu đồng, phục vụ một vị khách ở Hà Nội. Giá này chưa bao gồm công trang trí.
Tuy nhiên, chị Mai cho biết, cửa hàng chỉ nhập số lượng khiêm tốn những cây thông "khủng", cao từ 5 đến 7 mét bởi sự đắt đỏ của nó không phù hợp với số đông khách hàng. Còn loại được nhập và bán nhiều nhất là cây cắt cành (cao từ 35 - 130 cm), dùng trang trí bàn hoặc trong phòng nhỏ. Loại này phổ biến với mức giá từ 1 - 6 triệu đồng/cành. " Hiện tại, toàn bộ số thông nhập khẩu đã được bán hết ", chị Mai nói.
Đặc biệt, chị Mai khẳng định, nếu là thông nhập khẩu chắc chắn sẽ có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ , cửa hàng có thể đưa ra gần như ngay lập tức khi khách có yêu cầu. " Do đó, dù mua ở bất cứ đâu thì khách hàng nên yêu cầu cửa hàng chứng minh nguồn gốc của mỗi cây thông nhập khẩu , như vậy mới không bị hớ khi mua phải hàng giả, hàng nhái ", chị khuyến cáo.
Tuy vậy, chị Mai cũng tư vấn về đặc điểm dễ nhận biết nhất để khách có thể phân biệt thông nhập khẩu với các loại thông trong nước, đó là cây thông nhập khẩu không có gốc rễ, chỉ có thân cành.
“ Thông nhập khẩu có hai dòng là Nordmann Fir và Nobilis. Nordmann Fir thân thẳng, tán lá đều và rất mềm. Đây cũng là loại thông nhập khẩu được nhiều khách hàng ưa chuộng vì ngoài đẹp ra thì không sợ bị lá thông sắc nhọn gây trầy xước nên rất an toàn với trẻ nhỏ. Còn thông Nobilis thì lá cứng, tán lá thưa hơn nhưng thân cũng thẳng đẹp. Trên tán lá phủ một lớp phấn bạc đặc trưng chỉ có ở vùng Bắc Âu. Ngoài ra, đặc điểm chung của hai dòng thông nhập ngoại này là có hương thơm tự nhiên rất mạnh, bởi trong thân cây có hàm lượng tinh dầu lớn.
Còn thông ở Đà Lạt hoặc thông từ Trung Quốc thường được bán ở thị trường Việt Nam với cả gốc và rễ. Vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp nên thân cũng thường cong vẹo, tán lá không đều như thông nhập khẩu từ Bắc Âu. Hương thơm tỏa ra cũng không thể so sánh với thông nhập ngoại ”, chị Mai nói.
Ngoài Lux Flower, một số cửa hàng khác tại Hà Nội cũng bán cành thông nhập ngoại với giá phổ biến từ 4 - 86 triệu đồng/cành tùy kích thước.
Trong khi đó, một cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ chuyên bán những cây thông nhập khẩu size mini, giá vài triệu đồng. Lý giải cho mức giá "mềm" này, chủ cửa hàng cho biết, anh mua những cây thông từ các đơn vị chuyên nhập khẩu cây cảnh. Tuy nhiên, sau khi nhập khẩu từ Đan Mạch, Siberia về, cây sẽ được trồng dưỡng tại các vườn ở Mộc Châu (Sơn La), nơi có khí hậu thấp, khá phù hợp với cây thông ngoại vốn ưa lạnh.
" Khi khách có nhu cầu mua và đặt hàng thì chúng tôi mới chuyển từ Mộc Châu về để bán, bởi cây rất khó bảo quản trong khí hậu nóng ẩm. Cũng chính vì cây được dưỡng ở Mộc Châu trong một thời gian, không còn là cây nhập "xịn 100%" nên giá cũng rẻ hơn và thường cửa hàng cũng không cần phải cung cấp giấy tờ nhập khẩu hay quy định kiểm dịch thực vật ", anh này nói.
Mập mờ xuất xứ thông Noel ngoại trên "chợ mạng"
Không chỉ trên thị trường mà ở "chợ mạng" cũng rao bán rầm rộ các cây thông được quảng cáo là có nguồn gốc từ Bắc Âu với giá vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Thế nhưng khi được hỏi giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đó thì nhiều nơi không đưa ra được, thậm chí người bán trả lời là "không có".
“ Bên em bán 6 năm rồi, khách chơi quen thì tự phân biệt được thôi ”, một người bán giãi bày.
Tương tự, một nickname rao bán cây thông Noel nhập ngoại nhưng khi được hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc của cây, người bán đã trả lời một cách lảng tránh: " Thông này nhập khẩu từ Bắc Âu, nhưng không có giấy tờ vì đã qua nhiều khâu trung gian. Chị yên tâm, bên em bán hàng rất chất lượng ". Câu trả lời mập mờ này khiến chị Linh băn khoăn về nguồn gốc thực sự của cây thông mà mình đang định mua, do đó chị đã dừng kế hoạch. " Phải chi đến chục triệu ra để mua một sản phẩm không rõ xuất xứ thì tôi không yên tâm và thấy không đáng. Tôi sẽ chuyển sang mua trực tiếp, dù có mất thời gian một chút nhưng tận mắt chọn cây vẫn chắc chắn hơn ", chị nói.
Tương tự, anh Minh (ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng gặp phải tình huống tương tự khi định mua một cây thông nhập khẩu qua mạng. Khi hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc, anh nhận được câu trả lời không rõ ràng từ người bán: " Cây thông này là loại đặc biệt, nhập từ Bắc Âu nhưng không có giấy tờ vì quy trình nhập khẩu phức tạp. Anh chỉ cần nhìn vào chất lượng cây là biết ngay ". Sự mập mờ trong thông tin khiến anh Minh cảm thấy bất an và quyết định không mua sản phẩm này: " Nếu không chứng minh được nguồn gốc thì sao có thể khẳng định đó là cây nhập ngoại để buộc người mua phải trả một khoản chi phí quá lớn? ", anh thắc mắc.
Chị Thu Lan (ở Hà Nội) cho biết, chị vừa mua giúp cơ quan một cây thông thật giá 10 triệu đồng về trang trí không gian công sở để đón Giáng sinh, nhằm tạo sự khác biệt, mới mẻ sau nhiều năm chơi cây thông giả. Cây thông được người bán giới thiệu là nhập từ Đan Mạch về, đảm bảo chơi hết mùa lễ.
Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 1 tuần sau khi mua, cây bắt đầu có dấu hiệu lá vàng úa, tán rủ xuống, không còn sức sống. Đặc biệt, chị Lan cũng không thấy có mùi thơm đặc trưng tỏa ra như những lời quảng cáo về cây thông nhập ngoại. Đến lúc này chị Lan mới nghi ngờ mình đã mua phải hàng không chuẩn, rất có thể chỉ là thông nội được "gắn mác" thông ngoại nhập để đẩy giá lên cao.
"Do đó, người tiêu dùng muốn mua thông nhập ngoại cần cảnh giác, nên chọn mua hàng ở những địa chỉ uy tín, có thương hiệu và có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ", chị Lan khuyên.