Một tiếng khập khô khốc tưởng như vỡ cả xương, nó đã ngoạm lấy cẳng tay người…
Mồm chó, vó ngựa“Quân xanh” cố chạy thêm được vài bước đã bị con chó đuổi kịp, ngáng chân vào người, cả khối cơ bắp xô tới ngã dúi, ngã dụi. Miệng con vật không ngớt gầm gừ đầy đe dọa trong khi vẫn không rời lấy cái cẳng tay của người “quân xanh” đang chọc tức chó bằng cách mặc quần áo rách rưới hoặc màu sắc.
Chó đang cắn xé “quân xanh”
Huấn luyện cắn đơn điểm chỉ cần cái bao tay là đủ nhưng cắn đa điểm thì “quân xanh” phải mặc áo giáp toàn thân. Nếu nhút nhát mà rụt tay vào dễ bị cắn phải bàn tay hay vai người rất nguy hiểm. Kể cả những khi cắn đúng điểm nhưng vẫn có thể bị những vết thâm tím thậm chí chảy máu vì hàm răng sắc bén của con vật cắn ngập xuyên giáp với lực cắn lên đến 136 kg.
Phạm Văn Tới ở xã Đông Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng) vốn học đại học chuyên ngành máy tàu thủy nhưng lại bén duyên với nghề chó cắn áo rách này từ 5 năm trước. Nó đam mê, quyến rũ tới mức anh sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đuổi đến tận cùng.
Từ một chú becgie thuần chủng gốc Đức tập chơi cho đến khi Tới trở thành ông chủ của một trang trại có trên 10 con giống bố mẹ, giá mỗi con rẻ nhất cũng 30-40 triệu. Đó mới chỉ là giá của những con becgie sinh sản trong nước còn becgie nhập ngoại phải 100-200 triệu thậm chí 400-500 triệu/con.
Trở thành chủ trại chó đã khó nhưng để trở thành huấn luyện viên cho chó còn khó gấp bội phần. Tới đã trải qua 4 khóa huấn luyện do thầy Việt giảng dạy cùng 1 khóa huấn luyện do thầy Đức đích thân chỉ bảo. Thường có hai kiểu chính, chó huấn luyện thể thao để đi thi đấu và chó huấn luyện dân sự từ biết vâng lời đến đánh cắn để bảo vệ thân chủ.
Trại chó nhà anh Tới
Theo Tới, tiêu chuẩn chọn chó con là phải nhanh nhẹn và ham của lạ hễ vứt giẻ hay vứt bóng là đuổi theo bắt cho kỳ được chứ không được sợ sệt hoặc lẩn trốn. Miếng cắn của con vật phải có dạng kiểu lưỡi kéo, nghĩa là các răng cửa của hàm trên phải trùm kín hoặc ôm sát các răng cửa của hàm dưới, răng nanh không vểnh lên trời.
Bản năng cắn xé tiềm tàng như một khối thuốc nổ bên trong con vật nếu không được kích thích, điều hướng hợp lý thì chủ của nó sẽ chẳng khác nào ném một quả pháo đùng, chưa ra khỏi tay người đã phát nổ hoặc tịt ngóm. “Dạy con từ thủa còn thơ”. Dạy chó cũng vậy. Việc dạy dỗ được thực hiện khi chúng mới chỉ vừa thôi bú, được chừng 2 tháng tuổi bằng cách vứt giẻ vào rồi giật giật, giả vờ mồi để đuổi theo, cắn xé.
Người với chó cứ giằng co như thế mỗi ngày 1 lần, mỗi lần khoảng 3-5 phút rồi dừng lại khi con vật vẫn còn ham mồi chứ không được để chúng mệt, lần sau sẽ chóng chán. Khoảng 3,5 tháng tuổi chó bắt đầu thay răng thì giẻ rách được thay bằng quả bóng tennis hoặc các loại chai lọ vừa với kích cỡ hàm. 5 tháng tuổi chuyển sang túc (giống tay người nhưng làm bằng vải) hay gối cắn rồi cuối cùng khi con vật đã hơn 1 tuổi mới chuyển sang bao tay mềm, bao tay cứng do người đóng vai “quân xanh” thò tay vào bên trong.
Bản năng của nhiều loài vật săn mồi là cắn vào cổ để triệt tiêu toàn bộ sức mạnh, ý chí của đối phương, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn. Chó cũng vậy. Nhưng chỉ những con chưa được huấn luyện mới có thể gây nguy hiểm cho người còn chó nghiệp vụ đều được giáo dục kỹ càng để chỉ cắn vào những phần ít nguy hiểm như tay, chân mà thôi.
Chuẩn bị xuất kích
Ở tay chó chỉ được phép cắn vào cẳng tay chứ không được cắn vào vai hay bàn tay. Cách cắn cũng cầu kỳ không kém. Không được cắn kiểu nhấp nhả, cắn mớm, cắn nông mà phải cắn ngập hàm, giữ thật chặt cho đến khi nào được lệnh nhả ra mới thôi. Con chó lúc này đóng vai trò giống như một chiếc còng số 8 sinh học, đầy mạnh mẽ và uy lực áp chế. Những con chó thần kinh yếu thường sợ tiếng động mạnh như tiếng nổ còn đàn chó nhà Tới con nào con nấy đêm giao thừa đều nhất loạt ngửa cổ lên ngắm pháo hoa nổ phùm phụp trên trời một cách đầy phấn khích.
Becgie hay Rottweiler (một giống chó Đức khác) khi trưởng thành thường nặng từ 35-50 kg, cuồn cuộn cơ bắp nên rất khỏe. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, chúng có tập tính bảo vệ lãnh thổ rất mãnh liệt. Bất kỳ thứ gì lạ mà động đậy trong vùng lãnh thổ ấy đều dễ bị tấn công.
Kinh nghiệm của Tới là không bao giờ được dắt hai con chó đi dạo cùng một lúc bởi một tai nạn nhớ đời. Đó là lần anh dắt hai con becgie đực đi dạo trên đường làng. “Thầy trò” đang thong thả cất bước bỗng Tới thấy hai con vật chợt khựng lại, nhìn xoáy vào một con trâu mộng. Biết là chúng sắp tấn công, ngay lập tức, anh đảo mắt một vòng để tìm kiếm các vật cố định ở quanh đó rồi chuyển hết dây xích từ hai tay sang một tay. Khi lũ chó vùng lên để vồ mồi thì chủ nhân của chúng cũng lao về phía cây xoan to gần đó, ôm chặt lấy rồi quấn liền mấy vòng dây xung quanh thân cây.
Cái cây rung lắc dữ dội nhưng một lúc sau hai con vật cũng phải chịu thúc thủ, trơ mắt hậm hực nhìn con trâu đi qua mà không thể làm gì được. Dòng Rottweiler vốn dữ sẵn nên nếu trên 1 tuổi thường không phải kích dữ còn dòng becgie trung tính thì phải đánh thức khả năng này của chúng liên tục.
Răng nanh nuôi sống ngườiTrước đây ngoài huấn luyện chó của nhà Tới còn nhận huấn luyện chó cho khách hàng theo kiểu học nội trú ngay tại trại với giá 10 triệu/3 tháng bao ăn uống. Nhưng gần đây anh đã từ chối nhận “học trò” bên ngoài bởi học khôn thì lâu, học ngu thì chóng. Lũ chó của trại đã vào quy củ, nề nếp sẵn nhưng lũ chó ngoài mới nhận về thì rất ngáo ngơ. Chúng đái bậy, sủa bậy hoặc nửa đêm hú lên trong chuồng như sói hoang nên khi nhốt chung, lũ chó trong trại bắt chước đái bậy, sủa bậy theo.
Ảnh: Vân Đình
Lũ chó ngày ngày được cho ăn 3 bữa thịt gà, thịt bò sống để giữ sức khỏe, nguyên vẹn bản tính hoang dã, được tắm nước, tắm nắng, được sưởi ấm lúc trời đông lạnh giá. Khi có con chó nào lâm bồn, đau đẻ Tới luôn túc trực kề bên để đỡ đẻ cũng như dùng điện thoại quay rồi phát live stream cho cộng đồng mạng cùng thưởng thức. Chó con sinh ra được cấp giấy khai sinh đàng hoàng với phả hệ ghi rõ nguồn gốc nội ngoại đôi bên.
Vất vả với nghề chó cắn áo rách như thế nhưng lũ chó cũng đền đáp cho Tới một cách xứng đáng. Một năm trại đón 3-4 đàn chó con chào đời, mỗi đàn 7-8 con, mỗi con ngoài 2 tháng tuổi giá xuất chuồng 8-10 triệu, lãi trên 100 triệu. Đó là chưa kể một năm Tới còn huấn luyện cho khoảng 4-8 con chó, mỗi con khi thành thục nghiệp vụ dân sự có giá 30-40 triệu thu lời trên dưới 100 triệu nữa.
Giấy chứng nhận huấn luyện chó của Tới
Những người làm nghề chó cắn áo rách như Tới thường lại có đầy đủ các thứ tiện nghi trong nhà nhờ đánh trúng tâm lý bất an của xã hội. Đối tượng khách hàng của họ toàn là giới nhà giàu biệt thự nhà lầu hoặc làm những nghề nguy hiểm như cầm đồ, cho vay lãi luôn nghi ngờ tất cả mọi người trên đời ngoài con vật được cho là trung thành bậc nhất là chó.