Được Liên hiệp Hợp tác xã Tinh dầu bạc hà Tây-Bắc Gia Lai (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cam kết bao tiêu sản phẩm, cuối năm 2019, anh Bình chuyển đổi 1 sào đất trồng hoa sang trồng hành tím. Đến cuối tháng 3/2020, gia đình anh đã thu hoạch được hơn 3 tấn củ, bán với giá 10.000 đồng/kg theo hợp đồng ký kết.
Theo anh Bình, trước khi trồng cây hành tím, trên diện tích đất này, anh đã trồng thử nghiệm qua rất nhiều loại cây như: mì, lúa, rau, hoa... Tuy nhiên, thu nhập từ những cây này rất bấp bênh.
Anh Phạm Văn Bình (bìa phải) giới thiệu về cây hành tím. Ảnh: G.H
“Chi phí đầu tư giống, phân bón, nhân công cho 1 sào hành tím hết khoảng 10 triệu đồng. Sau 4 tháng trồng, cây hành tím cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 3 tấn/sào. Với giá bán 10.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, mình thu lãi hơn 20 triệu đồng” - anh Bình cho hay.
Theo anh Bình, việc chăm sóc cây hành tím rất đơn giản. Đây cũng là loại cây trồng ít sâu bệnh. Khi tiến hành trồng chỉ cần xử lý kỹ khâu cày đất, rắc vôi, bón phân lót, sau đó lên luống, xuống giống và tưới nước hàng ngày. Để giảm chi phí nhân công, anh đã đầu tư hệ thống tưới phun sương hết khoảng 1 triệu đồng/sào.
Hành tím phù hợp với nhiều loại đất, nhưng đất phải cao ráo, tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và đặc biệt không bị ngập úng để tránh hiện tượng thối củ. Diện tích hành tím của anh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh thân thiện với môi trường nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Củ hành tím nhờ đó to, đều, chất lượng được nâng cao, màu sắc đẹp, đặc biệt không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Thấy hiệu quả, anh Bình đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng cây hành tím.
Anh Phạm Văn Bình-buôn Tang (xã Phú Cần) cấy hành tím. Ảnh: G.H
“Hiện tôi đang chuẩn bị đất để trồng hành tím vụ thứ 2 và mở rộng diện tích lên khoảng 5 sào. Ngoài ra, trong buôn cũng đã có một số hộ dân đến tham quan mô hình này để về triển khai trồng thử. Tôi cũng mong muốn có nhiều hộ làm theo mô hình này, mở rộng diện tích để cùng nhau liên kết sản xuất và tiến tới hình thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã chuyên sản xuất hành tím. Đồng thời, hỗ trợ nhau về kỹ thuật canh tác, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm” - anh Bình chia sẻ.
Nói về mô hình trồng hành tím, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Đây là mô hình mới trên địa bàn huyện, nhưng được liên kết bao tiêu sản phẩm nên có đầu ra khá ổn định. Với giá hợp đồng 10.000 đồng/kg thì trừ chi phí, người nông dân có thể thu lãi hơn 20 triệu đồng/sào sau khoảng 4 tháng trồng.
“Đây là mô hình có chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao, đặc biệt không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nên rất phù hợp với trình độ canh tác của người dân trên địa bàn huyện. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình này để người dân địa phương học tập và làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”-ông Châu cho biết thêm.