Đây cũng là một trong những bước đi mạnh mẽ của chính quyền địa phương khi muốn chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đưa 3 quận của khu Đông (Thủ Đức, 9 và 2) sớm trở thành Khu đô thị thông minh trong tương lai rất gần.
Ý tưởng xây dựng đô thị thông minh được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từ cuối năm 2017, dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) giữ vai trò trung tâm tài chính, trong khi đó Khu công nghệ cao (quận 9) và "hạt nhân" ĐHQG (Thủ Đức) với nguồn lực dồi dào về đất đai, nhân lực.
Trong đó, Thủ Đức luôn được ưu tiên phát triển bởi đây được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, điểm trung chuyển và là "cửa ngõ" ra vào thành phố, kết nối trực tiếp với các khu vực kinh tế khác. Từ đó, đầu tư cho hệ thống giao thông quy mô lớn luôn được đặt lên hàng đầu.
Thời gian qua, chính quyền TPHCM và ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông đô thị có quy mô lớn trên địa bàn hướng Đông. Theo tính toán, trong giai đoạn 2018- 2020, các dự án hạ tầng lớn nhỏ khu Đông cần nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lẫn ngoài ngân sách lên đến hàng chục tỷ USD, chiếm 70% số tiền đầu tư các tuyến giao thông toàn TP.HCM.
Đầu tiên phải kể đến dự án nâng cấp, mở rộng Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến đường chính dẫn vào nội thành, kết nối giao thông trực tiếp đến các tỉnh Đông Nam bộ. Từ con đường nhỏ 4 làn xe, đến thời điểm này đã cơ bản nâng cấp, mở rộng với 16 làn xe thông thoáng từ cầu Sài Gòn đến khu vực làng Đại học Quốc gia.
Cùng với việc nâng cấp, mở rộng, dọc tuyến còn được đầu tư mới cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức, hầm chui mở trước khu du lịch Suối Tiên. Hiện tại, tuyến đường này đang được tiếp tục đầu tư mở rộng kéo dài đến địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm giúp tạo cửa ngõ thông thoáng một khi nhà ga metro trung tâm và Bến xe miền Đông mới đặt gần đấy đi vào hoạt động.
Song song đó, từ tháng 8/2016, công trình giao thông Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, có điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối kết nối tại nút giao thông Linh Xuân (quận Thủ Đức) chính thức được thông xe toàn tuyến.
Dự án do Công ty GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) Hàn Quốc đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư trên 186 triệu USD. Tuyến đường đưa vào khai thác không những giúp người dân khu vực phía Đông Bắc của TPHCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thuận lợi hơn, mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, tạo lực phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây UBND TP.HCM vừa có quyết định đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) lên 30m, tuy chỉ dài 3km nhưng tuyến đường này có vai trò quan trọng kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức.
Được biết, Dự án đầu tư nâng cấp - mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân lên 30m đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ đầu năm 2017 và sẽ được triển khai thi công trong thời gian tới và hoàn thiện vào năm 2020. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ nối trực tiếp từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến ngã tư Thủ Đức – nơi đang xây dựng nhà ga metro trung tâm quận.
Ngoài ra, đóng góp vào sự thay đổi diện mạo đô thị phía Đông TPHCM phải kể đến hàng loạt công trình giao thông quan trọng khác, như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối thông suốt TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ; Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội, kết nối trung tâm TPHCM hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, TP.HCM đang "thúc" tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý để đầu tư dự án đường vành đai phía Đông kết nối đường Nguyễn Văn Linh, qua quận 2, 9 với cầu Phú Mỹ và kết nối với Khu công nghệ cao (SHTP), tiến tới khép kín đường vành đai 2; dự án đường vành đai 3 đang khẩn trương triển khai để kết nối từ phía Tây, Tây Nam với đô thị Nhơn Trạch, Long Thành và Bình Dương.
Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang bước vào giai đoạn thi công nước rút và thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2020. Thời gian qua, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 này nối trực tiếp đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhằm tạo một mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ.
Hàng loạt dự án giao thông tại Thủ Đức đang được đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết trong năm 2018 sẽ ưu tiên triển khai 15 dự án tại khu Đông, các dự án kết nối giao thông tại khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời, đầu tư một số công trình giao thông tại các cửa ngõ của TPHCM để đáp ứng nhu cầu phát triển mới tại những khu đô thị vệ tinh. Tiếp tục khai thác tốt cơ sở hạ tầng hiện có, đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã cập bến rót vốn đầu tư dài hạn tại đây, đặc biệt là sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản vào khu đô thị mới Thủ Thiêm và lan tỏa sang những khu vực vùng ven quận 2, 9, Thủ Đức. Rất nhiều dự án tầm cỡ đã và đang hình thành, từng bước hình thành bộ mặt đô thị mới, cung cấp nơi sinh sống tiện nghi cho cư dân, tạo nên một cộng đồng văn minh, chất lượng và an ninh.