Ngày 28/2, Kitco News (nguồn tin tức hàng đầu về kim loại quý) đăng tải bài viết tựa đề "Gold has the potential to be a safe-haven hedge against the climate crisis - HSBC" (tạm dịch: Vàng có tiềm năng trở thành hầm trú ẩn an toàn trước khủng hoảng khí hậu), trong đótrích dẫn phân tích của các chuyên gia thuộc Tập đoàn HSBC cho hay, một trụ cột quan trọng tạo nên sức mạnh tương đối của vàng chính là tình trạng bất ổn địa chính trị đang diễn ra.
Vàng đã chứng kiến sức hấp dẫn trú ẩn an toàn đáng kể trong hai năm qua khi các nhà đầu tư tìm cách tự bảo vệ mình khỏi sự bất ổn ngày càng tăng do hai cuộc xung đột tạo ra.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới từ James Steel - Trưởng phòng phân tích kim loại quý tại HSBC; và Camila Sarmiento - Chuyên gia phân tích biến đổi khí hậu và ESG của HSBC thì họ cùng nhận thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng gia tăng thêm tình trạng bất ổn địa chính trị.
"Các thảm họa tự nhiên – bao gồm bão Freddy tấn công Malawi và Mozambique (2 quốc gia ở Đông Phi) vào tháng 3/2023; bão Mocha ở Myanmar và Pakistan vào tháng 5/2023; cháy rừng ở Canada vào tháng 6/2023 và cháy rừng ở Maui vào tháng 8/2023 – không chỉ bộc lộ những lỗ hổng của cơ sở hạ tầng quan trọng ngày nay, mà còn cho thấy ngành năng lượng và hệ thống giao thông toàn thế giới chưa sẵn sàng như thế nào để chống chọi với sự biến động khôn lường của biến đổi khí hậu. Thảm họa tự nhiên cũng làm tăng chi phí thiệt hại", nghiên cứu chỉ ra.
Cảnh báo của HSBC được đưa ra một tháng sau khi nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện được coi là rủi ro hàng đầu mà thế giới phải đối mặt trong dài hạn. Báo cáo giữa tháng 1/2024 của WEF cảnh báo rằng đến năm 2050, biến đổi khí hậu có thể gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế 12,5 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.
Mặc dù rất khó đo lường tác động của biến đổi khí hậu đối với vàng , song hai chuyên gia James Steel và Camila Sarmiento lưu ý rằng có một số yếu tố có thể đo lường được đối với các nhà đầu tư.
"Sự suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động tích cực đến sự biến động lợi nhuận của vàng và biến đổi khí hậu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mô hình kinh tế mới nhất cho thấy rằng mức tăng nhiệt độ lên 2,2 độ C vào năm 2050 có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 20%, điều này sẽ gây ra hậu quả sâu sắc ở các quốc gia".
HSBC cũng cho biết sản lượng lương thực toàn cầu thấp hơn, tình hình kinh tế bất ổn, tình trạng di cư, lạm phát và sự bất ổn của thị trường tài chính là tất cả những yếu tố khác hỗ trợ cho sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng .
Thực chất, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa vàng và biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học thực hiện năm 2023.
Tháng 5/2023, Science Direct đăng tải nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Kinh tế lượng và Nghiên cứu Ứng dụng ở Ibadan, Nigeria về mối liên hệ giữa "Rủi ro khí hậu và vàng ".
Theo các nhà khoa học, mối liên hệ này không phải là xa vời vì thực tế là việc khai thác vàng ngày càng trở nên khó khăn hơn vì hầu hết “vàng dễ dàng” đã được khai thác và do đó các thợ mỏ phải vượt qua những thách thức vô cùng khó khăn trước khi đánh giá chất lượng vàng mà đôi khi có tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Ví dụ, quá trình đốt cháy cacbon trong quá trình khai thác kim loại (bao gồm cả vàng ) dẫn đến sản sinh ra CO2 và các khí nhà kính (GHG) khác tích tụ trong khí quyển.
Những thách thức này đã dẫn đến chi phí khai thác vàng tăng thêm và dẫn đến giá cao hơn.
Quay trở lại với nghiên cứu của các chuyên gia HSBC, theo hai chuyên gia, mặc dù lĩnh vực khai thác mỏ vàng tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra lượng khí nhà kính đáng kể, nhưng bản thân vàng lại có lượng khí thải carbon rất thấp vì nó có thể được tái chế nhiều lần.
Bất chấp những lo ngại về khí thải, lượng khí thải carbon của vàng có thể làm giảm tổng lượng khí thải của danh mục đầu tư. Dó đó, vàng không chỉ là tài sản trú ẩn an toàn ổn định mà còn có thể là tài sản hấp dẫn đối với các nhà đầu tư muốn cải thiện hiệu suất ESG trong danh mục đầu tư của họ.
Tham khảo: KITCO NEWS, Sciencedirect, Weforum.org