Quan điểm trên được ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam đưa ra trong tham luận nhân dịp Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ Luật Lao động sáng 19/10.
Bối cảnh thị trường lao động tương lai trở nên phức tạp hơn khi có sự biến đổi lớn do tình trạng già hoá dân số, tiến bộ công nghệ, biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các công việc phi tiêu chuẩn trong khu vực. Để chuẩn bị cho những thách thức này, yếu tố quyết định chính là giải quyết bài toán bất bình đẳng giới. Bình đẳng giới là thắng lợi cho tất cả mọi người.
Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tương đối cao, song có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây và khoảng cách giới vẫn còn tồn tại.
Bằng chứng cho thấy, sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thấp hơn nam giới. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và trong những công việc dễ bị tổn thưởng còn khá cao.
Một thách thức khác là gánh nặng không cân xứng của phụ nữ trong công việc chăm sóc và nội trợ không được trả lương. Nghiên cứu của Action Aid năm 2016 cho thấy, trung bình mỗi ngày, phụ nữ Việt Nam dành 2 giờ để làm việc nhà và chăm sóc không được trả lương, nhiều hơn so với nam giới.
"Chính điều này làm giới hạn cơ hội lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ, họ có ít lựa chọn hơn vì vừa phải đảm bảo trách nhiệm trong gia đình, vừa đảm bảo công việc chính thức", hai vị đồng tác giả của tham luận nhấn mạnh.
Dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị tới đây sẽ đóng góp việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Trong đó, có bốn nhóm vấn đề chính trong bản sửa đổi được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến. Nhóm vấn đề đầu tiên là hướng tới loại bỏ khoảng cách tuổi nghỉ hưu mà hiện đang quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm. Ở nhóm này, cả ông Kamal Malhotra và bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop đều cho rằng, tuổi nghỉ hưu ngang bằng giữa nữ và nam giới sẽ cho phép lao động nữ có thu nhập cao hơn, đóng góp lâu hơn cho quỹ bảo hiểm và do đó, sẽ được hưởng lương hưu cao hơn.
Bộ Luật lao động hiện tại không cho phép phụ nữ làm việc trong 77 nghề nghiệp. Trong đó, có 39 công việc bị cấm đối với phụ nữ mang thai và phụ nữ có con dưới 12 tháng. 38 công việc khác bị cấm trên cơ sở giới tính. Thay vì đặt ra những hạn chế trên, Bộ luật Lao động nên cho phép nhiều phụ nữ tham gia hơn để cùng với nam giới cạnh tranh, cho các cơ hội việc làm được tạo ra trong các lĩnh vực và ngành nghề mới.
Đối với vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, dù không có đầy đủ dữ liệu song việc này diễn ra khá phổ biến. Theo hai vị trên, Bộ Luật lao động 2012 cấm hành vi này nhưng việc thực thi luật còn hạn chế. Do đó, khuyến nghị sửa đổi sắp tới của Bộ luật Lao động nên đưa ra các biện pháp bảo vệ tốt hơn và giúp phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Ngoài ra, Bộ Luật lao động sửa đổi nên mở rộng chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ lao động trong đáp ứng trách nhiệm gia đình của người lao động, khi đó, thị trường lao động sẽ phân phối lại công việc gia đình không được trả lương. Và điều quan trọng là phải làm rõ vai trò của Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc cung cấp các cơ sở chăm sóc trẻ và mẫu giáo có chất lượng cho người lao động có con nhỏ.
"Khi những thay đổi trên được hiện thực hóa trong Bộ luật Lao động sửa đổi sắp tới, Việt Nam chắc chắn sẽ đi đầu trong các nỗ lực quốc tế hướng tới tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững", hai tác giả của tham luận dự báo.