Đây là số vốn nằm trong kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 được Thủ tướng giao cho các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo quyết định vào ngày 12-12-2013.
Trong số vốn phải thu hồi có gần 716,5 tỉ đồng trong tổng số hơn 4.249,7 tỉ đồng đã được giao kế hoạch năm 2016 để bố trí cho dự án hầm Đèo Cả và hơn 463,5 tỉ đồng chưa giao kế hoạch hàng năm.
Thủ tướng yêu cầu số vốn thu hồi nêu trên đưa vào nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Nghị quyết 439/NQ-UBTVQH14 ngày 30-10-2017 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính thu hồi số vốn trái phiếu Chính phủ đã giao kế hoạch năm 2016 như nêu trên.
Chiều 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư dự án – cho biết dự án hầm đường bộ đèo Cả được phê duyệt ban đầu là BT phần hầm đèo Cổ Mã, BOT hầm Đèo Cả, nhưng sau đó được Thủ tướng đồng ý cho chuyển toàn bộ dự án sang hình thức BOT.
Theo ông Hoàng, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ mà Bộ Giao thông - Vận tải cấp cho dự án này là 5.000 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 3.900 tỉ đồng.
"Tôi không rõ là thủ tục giải ngân số vốn trên như thế nào để dẫn đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thu hồi số vốn 1.180 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ cấp cho dự án. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Bộ Giao thông - Vận tải phải có trách nhiệm giao cho chủ đầu tư đủ 5.000 tỉ đồng của dự án", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu hồi số vốn nêu trên không ảnh hưởng đến dự án hầm đường bộ đèo Cả vì dự án này đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng ảnh hưởng đến các dự án hầm đèo Hải Vân và hầm đèo Cù Mông mà Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đang tiếp tục triển khai.
Hầm đường bộ qua Đèo Cả trên quốc lộ 1 nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có tổng chiều dài dự án 13,19km, trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m.
Dự án đã đưa vào hoạt động đầu tháng 9-2017 sau 6 năm thi công.
Theo công bố của chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này là 15.600 tỉ đồng, nhưng quá trình triển khai, nhà đầu tư đã lựa chọn hướng tuyến, giảm chiều dài 2 đường hầm từ 5,7km xuống còn 4,1km nên tiết kiệm được 4.200 tỉ đồng.
Số vốn tiết kiệm này được chuyển sang xây dựng hầm đèo Cù Mông nằm trên quốc lộ 1 giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.