Sẽ thu hồi “siêu mỏng, siêu nhỏ” cho công cộng
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005.
Theo đó, thành phố chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Xây dựng, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng; giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện bảo đảm an toàn, không gây phản cảm với các công trình xung quanh...
Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 11/11/2016; lập hồ sơ thu hồi phục vụ mục đích công cộng các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2, không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối...
Công trình "kỳ dị" trên đường Võ Chí Công (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng.
Lo ngại biến tướng nhà, đất ‘siêu mỏng, siêu nhỏ’ sau khi mở đường
Liên quan đến việc xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo ở các dự án mở đường, tại các kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội gần đây rất nhiều đại biểu, cử tri đều đề nghị các sở ngành Hà Nội phải làm rõ lộ trình, phương án xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều trường hợp cũ bị tồn động chưa xử lý được mà còn phát sinh thêm nhiều trường hợp mới trên các tuyến đường mới mở.
Đặc biệt, phương án thu hồi các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện tồn tại để phục vụ mục đích công cộng dù đã được đưa ra từ lâu nhưng đến nay rất ít trường hợp thực hiện.
Thậm chí, nhiều trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện tồn tại đã bằng nhiều cách khác nhau, trở thành những mảnh “đất vàng” ở vị trí đắc địa có giá trị chênh lệch địa tô cao ngất ngưỡng.
Mới đây, một công trình nhà cao tầng tại mặt phố Ô Chợ Dừa và phố Đông Các (quận Đống Đa), được xây dựng trên một phần diện tích đất còn lại sau khi mở đường được dự kiến đặt tường gắn pano cổ động gây nhiều nghi ngại cho dư luận.
Theo tìm hiểu được biết, trước đó Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản số 11773/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng về việc giải quyết đề nghị của 05 hộ dân ở phố Đông Các (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).
Theo đó, thành phố chấp thuận chủ trương giao 48,8m2 đất trong tổng số 144,7m2 đất (sau khi mở đường Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu-PV), UBND quận Đống Đa dự kiến xây dựng Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng phường Ô Chợ Dừa tại số 179 Đê La Thành (cũ) thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (tại vị trí dự kiến đặt tường gắn pano cổ động) cho 05 hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở, để hợp khối với diện tích đất ở các hộ đang sử dụng.
Sau đấy, 48,8m2 “đất vàng” còn lại này (dự kiến đặt tường gắn pano cổ động), đã được làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trên và một trong số các hộ này đã tiến hành làm thủ tục xin giấy phép xây dựng và trở thành công trình cao ốc với hai mặt tiền là phố Đông Các và mặt phố Ô Chợ Dừa.
“Theo bảng giá đất của Hà Nội thì vị trí cao nhất ở phố Ô Chợ Dừa chỉ khoảng 100 triệu đồng/m2, nhưng giá giao dịch trên thị trường ở đây vào khoảng 300-450 triệu đồng/m2”, một nhân viên môi giới cho hay.