CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhập nhật hoạt động kinh doanh của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí – PVDrilling (PVD).
Theo VDSC, trong khoảng thời gian hoạt động kinh doanh chính đi xuống, ngoài việc khối lượng công việc thiếu hụt và giá cho thuê giàn khoan thấp, kết quả kinh doanh của PVD còn bị ảnh hưởng từ việc trích lập dự phòng các khoản phải thu của PVEP.
Từ năm 2016, PVD bắt đầu trích lập dự phòng các khoản trên. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh năm 2016 của công ty vẫn tích cực do đóng góp của giàn PVD V nên ảnh hưởng của các khoản trích lập lên lợi nhuận là chưa đủ lớn.
Bước vào năm 2017, khi giàn PVD V "nằm nghỉ" do không còn việc và hoạt động các giàn khoan tự nâng vẫn chìm trong khó khăn, các khoản dự phòng phải thu bắt đầu "phát huy" tác dụng. Lợi nhuận năm 2017 (loại trừ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển) lỗ 472 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng khoản phải thu là 145 tỷ đồng. Và trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty ghi nhận lỗ 326 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng hết 111 tỷ đồng.
Hoàn nhập dự phòng từ PVEP có thể giúp PVD trong ngắn hạn
Tính đến cuối Q2/2018, PVD đã trích lập 424 tỷ đồng trong tổng số 640 tỷ đồng khoản phải thu từ PVEP. Theo kế hoạch, PVD sẽ trích lập thêm 100 tỷ đồng cho khoản phải thu này trong 6 tháng cuối năm nếu PVEP tiếp tục không thanh toán cho công ty và điều này một lần nữa tạo áp lực lên lợi nhuận của PVD trong năm nay.
Tuy nhiên, PVD đã xác nhận PVEP đồng ý trả 40% tổng công nợ của dự án khoan và thăm dò các lô 05.1 a, 09.2/09 và 01/10 – 02/10 cho PVD vào ngày 10/9/2018, tương đương với khoản tiền hơn 200 tỷ đồng. Và điều này đồng nghĩ với việc PVD có thể hoàn nhập 200 tỷ đồng khoản phải thu vào lợi nhuận trong Q3/2018.
Với LNTT đã điều chỉnh (loại bỏ phần trích lập dự phòng và hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ) mỗi quý luôn thấp hơn mức -200 tỷ đồng thì việc hoàn nhập khoản trên có thể giúp lợi nhuận của PVD dương trong Q3/2018. Theo ước tính, PVD có thể ghi nhận LNTT trong khoảng 50 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng trong Q3/2018. Cũng liên quan đến khoản phải thu từ các lô trên, PVEP có kế hoạch trả tiếp 30% phần còn lại trước 30/11/2018 và 30% còn lại trong năm 2019. Đây có thể là thông tin tích cực hỗ trợ trong ngắn hạn cho cổ phiếu PVD.
Giá cho thuê các giàn tự nâng tại Đông Nam Á cần cao hơn để hỗ trợ dài hạn cho công ty
Theo VDSC, có thể trong ngắn hạn, lợi nhuận của PVD được hỗ trợ bởi việc hoàn nhập các khoản dự phòng từ PVEP nhưng xét về dài hạn hoạt động các giàn khoan tự nâng của PVD phải cải thiện nhiều hơn để lợi nhuận cốt lõi của PVD có thể dương trở lại.
Ở khía cạnh khối lượng công việc, có thể thấy số hợp đồng của các giàn tự nâng là khá ổn định từ đầu năm 2018 và VDSC kỳ vọng xu hướng này tiếp tục tiếp diễn trong bối cảnh giá dầu cao và hoạt động tìm kiếm thăm dò tốt hơn.
Tuy nhiên ở khía cạnh giá cho thuê giàn, VDSC vẫn chưa thấy sự cải thiện đáng kể giá cho thuê giàn tự nâng trong khu vực Đông Nam Á và nguyên nhân chính vẫn nằm ở nguồn cung giàn trong khu vực khá cao trong khi nhu cầu vẫn chưa cải thiện đáng kể.
Theo thống kê của IHS, số giàn có việc trong khu vực Đông Nam Á là 43 giàn trong tổng số 71 giàn có khả năng hoạt động, tương đương với hiệu suất hoạt động là 60.6%. Do đó, các giàn khoan tự nâng của PVD vẫn chịu lỗ với giá cho thuê từ 50.000 USD đến 60.0000 USD một ngày.
Và giàn PVD V cần phải có công việc trong thời gian tới
Trong trường hợp giá cho thuê các giàn tự nâng không cải thiện thì giàn PVD V cần phải tìm công việc mới sau hơn 1.5 năm ở trạng thái chờ việc để giúp hoạt động của công ty tốt hơn. Hiện công ty đang đẩy mạnh quá trình tìm việc cho giàn PVD V.
Theo thông tin từ PVD, hiện có 3 khách hàng tiềm năng có khả năng sử dụng giàn là Vietsovpetro, Biển Đông POC và PVEP POC. Và nếu trong trường hợp thắng thầu, giàn PVD V sẽ trở lại làm việc từ cuối 2019. Tuy nhiên, quãng thời gian đó là còn khá xa và giàn vẫn sẽ chưa đóng góp gì nhiều cho công ty trong năm 2019.