Nội dung trên tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng
Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Cụ thể như: Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển. Cụ thể như: Việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế.
Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Nghị quyết đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát hằng năm.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước
Chính phủ đẩy nhanh lộ trình cải cách các chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 và các năm sau; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo đúng quy định pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng quy hoạch để bảo đảm khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, thi hành các bản án để sớm thu hồi các tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí; rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; khẩn trương có các giải pháp xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền để sớm xét xử, có phương án xử lý đối với các tài sản, nguồn lực liên quan các vụ án, vụ việc lớn tránh thất thoát, lãng phí kéo dài...