Trong quy hoạch, vùng Đông của tỉnh Quảng Nam có 9 địa phương gồm Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành. Quảng Nam xác định đây là vùng động lực, làm đầu tàu để kéo vùng Tây gồm 9 huyện trung du, miền núi còn lại của tỉnh cùng phát triển.
Bứt phá với "đại lộ" Võ Chí Công
Trong ký ức của nhiều người, khu vực ven biển Quảng Nam là vùng đất nghèo khó, cằn cỗi. Thế nhưng giờ đây, con đường ven biển nối Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An là một trong những cung đường sầm uất bậc nhất của miền Trung với hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp được lấp đầy. Kể từ năm 2016, khi cầu Cửa Đại nối 2 bờ sông Thu Bồn và tuyến đường Võ Chí Công kéo dài từ TP Hội An vào đến TP Tam Kỳ được đầu tư xây dựng, vùng ven biển Quảng Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt dự án quy mô lớn với kinh phí đầu tư hàng tỉ USD như khu phức hợp nghỉ dưỡng Hoiana, khu phức hợp Vinpearl Nam Hội An... được đầu tư xây dựng và nhiều dự án được triển khai, đưa vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đời sống người dân địa phương được cải thiện.
Một góc khu phức hợp nghỉ dưỡng Hoiana tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Hiện nay, Quảng Nam đang tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 tuyến đường Võ Chí Công đoạn từ cầu Cửa Đại đến TP Tam Kỳ và chuẩn bị khánh thành đoạn từ TP Tam Kỳ kéo dài đến sân bay Chu Lai, nối với tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 1, đại lộ Võ Chí Công được xây dựng khang trang sẽ là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung nói chung và phát triển vùng kinh tế phía Đông của Quảng Nam nói riêng. Công trình cũng đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam cũng như phát triển các ngành công nghiệp trong Khu Kinh tế mở Chu Lai...
Quảng Nam cũng đang lập quy hoạch xây dựng vùng Đông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đưa ra định hướng xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ. Đây là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển. Trong đó, tỉnh định hướng đầu tư phát triển vùng ven biển trở thành chuỗi đô thị; trung tâm dịch vụ, du lịch; công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hạn chế chia nhỏ dự án
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận trên thực tế là hiện nay các dự án lớn tại khu vực vùng Đông của tỉnh, nhất là từ huyện Duy Xuyên vào Núi Thành, vẫn còn khá ít so với tiềm năng, lợi thế. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Quảng Nam là phải làm một cách bài bản, không vội vàng, chậm nhưng chắc chắn.
"Trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch. Quảng Nam không vội vàng lấp đầy các dự án khu vực vùng Đông vì nếu thế thì không có cơ hội đón đầu các nhà đầu tư lớn. Vừa qua, tận dụng thời gian dịch bệnh, tỉnh đã tiến hành rà soát những nhà đầu tư đăng ký mà không thực hiện để xem xét thu hồi dự án. Tới đây, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư có tầm vóc hơn, có thương hiệu quốc gia, quốc tế, hướng tới hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, hạn chế chia nhỏ dự án, manh mún, hạn chế phân lô bán nền" - ông Thanh chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm các dự án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phát sinh mới tại vùng Đông cũng như các khu vực khác của tỉnh Quảng Nam giai đoạn từ nay về sau đều làm theo định hướng KCN sinh thái. Dựa theo Nghị định 52 của Chính phủ về bộ tiêu chí KCN sinh thái, Quảng Nam sẽ nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí mới cao hơn, bảo đảm tính bền vững về môi trường và sinh thái, không làm tổn hại về dân cư trong vùng, không gây xung đột, tổn hại đến các ngành kinh tế khác.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp Bộ Giao thông Vận tải cùng với nhà đầu tư nâng cấp cảng biển Chu Lai nhằm đáp ứng để đón tàu 5 vạn tấn theo như quy hoạch của Chính phủ. Ngoài ra, Quảng Nam cũng đang phối hợp Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để thúc đẩy việc nâng cấp, sửa chữa sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế trong năm 2022. Với điều kiện giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, hàng không, đường thủy, vùng Đông Quảng Nam sẽ là nơi lý tưởng cho những cánh "chim đại bàng" đến làm tổ.
Quảng Nam tăng điều tiết về ngân sách trung ương
Ông Lê Trí Thanh cho biết các bộ, ngành trung ương đánh giá cao tiềm lực phát triển của Quảng Nam. Giai đoạn vừa qua, tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương 10%, đứng thứ 13-14 cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2022, trung ương ấn định cho Quảng Nam thu ngân sách phải đứng thứ 11 cả nước, tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương tăng từ 10% lên 14%, xếp thứ 10 cả nước. "So với các tỉnh, thành trong vùng, Quảng Nam đi sau nhưng bây giờ trở thành địa phương đóng góp ngân sách thuộc loại lớn của cả nước. Việc trung ương đặt ra yêu cầu như vậy vừa là áp lực nhưng cũng rất tự hào khi được giao nhiệm vụ, trọng trách vừa cân đối nhiệm vụ chi của địa phương đồng thời tham gia hỗ trợ cho trung ương, đòi hỏi Quảng Nam phải làm tốt hơn nữa" - ông Lê Trí Thanh chia sẻ.