Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là quan hệ đối tác, với mục tiêu thu hút được khu vực tư nhân tham gia khi nguồn vốn nhà nước không đáp ứng, đồng thời cung cấp được sản phẩm, dịch vụ công tốt hơn khu vực công. Sự kiểm soát của các cơ quan Nhà nước đến đâu trong dự án PPP là vấn đề cần phải xem xét, đảm bảo vừa quản lý hiệu quả nhưng cũng thu hút được nhà đầu tư tư nhân có chất lượng, và đặc biệt phải tôn trọng quy luật cạnh tranh, quy luật thị trường. Bởi lẽ khi không thu hút được nhà đầu tư tư nhân nghĩa là PPP thất bại.
“Chúng ta đang bị ám ảnh từ thực tiễn thực hiện dự án BOT, BT thời kỳ vừa qua, mất niềm tin do những sai phạm đó” - ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiểm soát của các cơ quan Nhà nước trong dự án PPP là vấn đề cần phải xem xét, đảm bảo vừa quản lý hiệu quả nhưng cũng thu hút được nhà đầu tư tư nhân.
Thực tế vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn vừa qua đã giúp các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật, đóng góp vào sự công khai, minh bạch của nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, các dự án PPP được kiểm toán thời gian qua thực chất là “kiểm toán tài chính” và có đặc điểm là tập trung trong lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, đều được chỉ định thầu.Có lẽ sự ám ảnh và thiếu niềm tin đó, sự lo ngại tham nhũng, bắt tay giữa nhà đầu tư và cán bộ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dẫn đến nhiều luồng quan điểm cho rằng cần quản lý thật chặt, giám sát chặt dự án PPP. Trong đó, phải phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước, cả kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động, đặc biệt kiểm toán lại chi phí trước khi quyết toán để tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Ngược lại, hầu như không có dự án BOT điện được Kiểm toán Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là hợp đồng BOT điện thời gian qua có đặc thù là nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu. Với nhà đầu tư nước ngoài, khi hợp đồng được ký kết, nhà đầu tư đã tự bỏ vốn để đầu tư dự án thì việc “can thiệp” sâu vào báo cáo tài chính của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án sẽ vi phạm các hiệp định về đầu tư, không tôn trọng quyền tự do, kinh doanh của nhà đầu tư, không tôn trọng các cam kết hợp đồng được được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Từ đó, có khả năng dẫn đến khởi kiện từ phía nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hoạt động kiểm toán nhà nước đã phát huy vai trò trong bối cảnh cơ chế thực hiện dự án PPP chưa được minh bạch. Tuy nhiên, khi hành lang pháp lý được quy định đồng bộ theo hướng tăng cường cạnh tranh, công khai thì việc tiếp tục áp dụng cách làm này cần được xem xét, hoàn thiện hơn. Và không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư trong nước cũng đòi hỏi phía nhà nước phải tôn trọng các cam kết của hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, quản lý dự án PPP tiếp cận theo tư duy quản lý “đầu ra” – nghĩa là phía Nhà nước tập trung vào kiểm soát yêu cầu về chất lượng sản phẩn, dịch vụ công được cung cấp theo điều kiện hợp đồng và nhà đầu tư chịu trách nhiệm về phương án kỹ thuật, phương án tài chính của mình. Việc tôn trọng phương án tài chính của nhà đầu tư, tránh can thiệp sâu vào đơn giá, định mức nhà đầu tư áp dụng sẽ tạo điều kiện cho việc phát huy tính sáng tạo của nhà đầu tư thông qua việc sử dụng các công nghệ, phương án kỹ thuật tốt, phù hợp, đem lại hiệu quả về cung cấp dịch vụ công cho người dân – mục đích cuối cùng của phương thức đầu tư PPP.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề về đảm bảo tính công khai, minh bạch thông tin, đảm bảo hài hòa lợi ích cùa người dân, Nhà nước, nhà đầu tư, các nội dung chính sách phải được hoàn thiện đồng bộ (như công khai, lấy ý kiến người dân trong chuẩn bị dự án; chuẩn bị dự án, thẩm định dự án kỹ lưỡng; đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, khu biệt trường hợp chỉ định thầu; công khai nội dung giá, phí dịch vụ trong hợp đồng; giám sát quá trình thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư; trách nhiệm các cơ quan; chế tài xử lý...) chứ không nằm ở việc mở rộng phạm vi kiểm toán (gồm cả phần sử dụng vốn công lẫn vốn tư).
Thông lệ quốc tế cho thấy, mặc dù mỗi nước áp dụng loại hình kiểm toán khác nhau, tại các giai đoạn khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu đảm bảo việc đầu tư theo phương thức PPP đạt hiệu quả. Ví dụ Hàn Quốc chỉ kiểm toán phần của Nhà nước tham gia vào thôi. Dù cách thức khác nhau nhưng bài học thành công là phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Theo GS. Akash Deep - Giảng viên cao cấp về chính sách công thuộc Đại học Harvard (Mỹ), Nhà nước phải biết muốn đạt được gì khi đầu tư theo phương thức PPP. Sẽ là sai lầm nếu như Nhà nước chỉ quan tâm đến việc chặn tư nhân thu lời. Điều cần quan tâm hơn là chất lượng dịch vụ được cung cấp.
PPP không phải là trò chơi có kẻ thắng người thua. Mục đích của Nhà nước là có dịch vụ công xứng đáng với giá trị đồng tiền bỏ ra. Mục đích của khu vực tư nhân là thu lợi nhuận, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp dịch vụ công theo hợp đồng. Cái cần mua của dự án PPP là dịch vụ được cung cấp, vì thế thay vì kiểm toán chi phí mua tài sản, chuyển sang kiểm toán chất lượng dịch vụ, tiêu chuẩn đầu ra có đảm bảo như hợp đồng hay không./.