Thu hút nhiều "sếu đầu đàn"
Những doanh nghiệp lớn thường được ví như “sếu đầu đàn”, kéo theo cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế cùng tiến lên phía trước. Thời gian qua, tại vùng đất Nam Trung Bộ, đã trở thành vùng đất lành thu hút nhiều “sếu đầu đàn” đến đầu tư và phát triển.
Gần 20 năm "bén rễ" cùng vùng đất cát ven biển Quảng Nam, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã trở thành một biểu tượng công nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Không những thế, Thaco không ngừng mở rộng chiến lược đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Từ đó trở thành doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt trong quá trình phát triển của Quảng Nam, là “đòn bẩy” thúc đẩy nền kinh tế khu vực Nam Trung Bộ đi lên.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, lãnh đạo Thaco thông tin, Thaco Group hiện có 2 tập đoàn gồm Thaco Auto và Thagrico, cùng 4 tổng công ty thành viên là Thaco Industries, Thadico, Thilogi và Thiso. Là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đáng chú ý nhất là công nghiệp nặng, nông nghiệp, logistic, thương mại và xây dựng hạ tầng nên kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp thuộc Thaco Group luôn thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Theo đại diện Thaco, năm 2021, sản lượng hàng hóa qua Cảng Chu Lai đạt 3 triệu tấn, dự kiến năm 2022 tổng sản lượng hàng hóa đạt trên 4,5 triệu tấn. Năm 2021, Thaco đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 20.500 tỷ đồng, trong đó tại Quảng Nam là 15.613 tỷ đồng, kế hoạch năm 2022 là hơn 33.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Thaco sẽ tiếp tục nhân rộngmô hình hệ sinh thái Thaco Chu Lai tại một số tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh Thaco, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang thực hiện đầu tư loạt dự án tại Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng. Các dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, diện tích trên 340ha, công suất thiết kế 4 triệu tấn/ năm, tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng. Dự án hiện thu hút khoảng 13.600 lao động, trong đó 80% là người địa phương. Hay dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, đang được Tập đoàn này triển khai xây dựng trên diện tích gần 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép dẹt/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng…
Theo Tập đoàn Hòa Phát, trong thời gian tới, đơn vị đề xuất một số dự án tại tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 3 (312 ha), công suất khoảng 5,6 triệu tấn/năm sau khi Khu liên hợp 2 đi vào hoạt động; dự án Ferro hợp kim sắt (300 ha); đầu tư khu công nghiệp (800 ha); hệ thống cảng và khu hậu cần phục vụ Khu liên hợp 3 và các dự án vệ tinh (113,5 ha)...
Ngoài ra, các tỉnh thành Nam Trung Bộ đã thu hút nhiều dự án lớn có vốn FDI như: Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đầu tư với tổng mức đầu tư 4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư hơn 170 triệu USD; Tập đoàn khách sạn Mikazuki Nhật Bản đầu tư 150 triệu USD vào dự án Đà Nẵng Resort và Spa Mikazuki Nhật Bản…
Tiềm năng của "vùng đất hứa"
Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển, là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Đặc biệt, vùng có nhiều cảng biển quan trọng như cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam), Cam Ranh (Khánh Hòa), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định)… đã tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ cho phát triển kinh tế vùng.
Chưa hết, đặc trưng là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp như: Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu kinh tế Vân Phong... với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt là sự phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước). Từ đó, Nam Trung Bộ đang được rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước mạnh tay “rót vốn” vào đầu tư.
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, bên cạnh những chính sách quan trọng, kịp thời và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị chung cả nước sẽ tạo nền tảng, cơ sở quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế cho vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt, với những thế mạnh riêng vốn có của khu vực này sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và động lực để tăng cường thu hút nguồn vốn trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Dương, với một loạt các dự án lớn về hạ tầng (đường bộ, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp…) đang được quy hoạch, bố trí vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký kết mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện tạo đà cho miền Trung sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư mới, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc biệt, bên cạnh những ngành nghề truyền thống có thế mạnh, các địa phương trong khu vực đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế mới như: kinh tế số, tài chính, đổi mới - sáng tạo, ICT, các ngành ứng dụng công nghệ cao… điều này sẽ tiếp thêm động lực đưa miền Trung thu hút đầu tư trong thời gian tới.
“Miền Trung đang dần dần hồi phục và cải thiện những thế mạnh, tiềm năng vốn có, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế. Với phương châm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội... đây chính là động lực để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19”, ông Dương nhận định.
Ông Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, khu vực Nam Trung Bộ là nơi có nguồn tài nguyên du lịch, khoáng sản, lâm nghiệp và thuỷ sản phong phú, đây chắc chắn là khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Trong những năm qua, hoạt động đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung ở miền Bắc. Chính vì thế, trong thời gian tới, dự báo sẽ mở rộng ra cả khu vực miền Trung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, môi trường kinh doanh ở khu vực miền Trung tuy được cải thiện, tuy nhiên, những năm gần đây có dấu hiệu chững lại và thiếu tính đột phá. Tính chủ động trong tiếp cận nhà đầu tư, nhà đầu tư “mục tiêu” của các địa phương còn hạn chế. Do đó, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin...
Kỳ tới: Đòn bẫy từ các khu kinh tế, khu công nghiệp