Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm, đã có hơn 23,7 tỷ USD từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đã nhanh chóng được giải ngân.
Tại Quảng Ninh, 10 tháng đầu năm nguồn vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 1 tỷ USD, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, Tuy số dự án được cấp mới ít hơn, nhưng quy mô các dự án lại lớn hơn. Gần 150 doanh nghiệp FDI trên địa bàn đều sản xuất ổn định, 10 tháng đầu năm tăng trưởng từ 10-20% so với cùng kỳ.
Ông Phùng Kỳ Luân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Tonly Việt Nam, cho biết: "Năm nay chúng tôi đã có sự tăng trưởng vượt bậc, cao gấp đôi so với năm trước. Chúng tôi đang xây dựng một nhà máy khác với trị giá 25 triệu USD để mở rộng sản xuất".
Ông Park Jae Jang, Phó Giám đốc Công ty TNHH BUMJIN ELECTRONICS VINA, chia sẻ: "Chúng tôi có một nhà máy rất lớn ở bên Trung Quốc và năm tới, toàn bộ nhà máy đó sẽ được chúng tôi đóng cửa và chuyển về Việt Nam. Lúc đó chúng tôi sẽ là một trong những tập đoàn lớn mạnh tại Việt Nam".
Tương tự hai tỉnh thành là Hải Phòng và Vĩnh Phúc là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút gần 1 tỷ USD tăng gần 300% so với cùng kỳ. Còn thành phố Hải Phòng thu hút gần 3 tỷ USD xếp thứ 3 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh và Long An.
Ông Masuoka Hiroyashi, Tổng Giám đốc các Khu công nghiệp Thăng Long, nói: "Nhờ có mặt bằng sạch, hạ tầng hoàn thiện và lao động dồi dào mà các khu công nghiệp Thăng Long tại các tỉnh thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đang thu hút rất tốt các nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư liên lạc với chúng tôi để tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, hy vọng dịch được kiểm soát tốt, họ sẽ đến trực tiếp để tìm hiểu".
Hình minh họa - Ảnh: TTXVN
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 10 tháng đầu năm nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp linh hoạt về phòng chống dịch và thu hút đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2021 là 100% thủ tục hành chính là thực hiện cấp độ 4, nghĩa là lấy thủ tục trên mạng, triển khai trên mạng và trả kết quả trên mạng. 100% các văn bản đều xử lý trên môi trường mạng thúc đẩy quá trình đầu tư cho các doanh nghiệp".
Ông LÊ Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nói: "Chúng tôi thiết lập rất nhiều kênh xây dựng nhiều chính sách, một trong những chính sách quan trọng nhất để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài là chúng tôi chống dịch tốt và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Vĩnh Phúc những điều kiện tốt nhất".
Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vọt, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc di chuyển giữa các quốc gia cũng thuận tiện hơn.