Bất chấp COVID-19, 11 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vẫn tăng 3,76% trong khi vốn tăng thêm bật tăng tới 26,7% so với cùng kỳ.
Bất chấp COVID-19, 11 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vẫn tăng 3,76% trong khi vốn tăng thêm bật tăng tới 26,7% so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, đáng chú ý, vốn đăng ký mới và đặc biệt là vốn tăng thêm tiếp tục duy trì mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ.
Cụ thể, 11 tháng qua, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các ngành sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ.
Nhiều chuyên gia nhận định, với nhiều “nam châm” hút FDI và việc chuyển hướng trong ứng phó với đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng. Nói như ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam, dòng vốn FDI sẽ duy trì khả năng phục hồi.
Với nhiều “nam châm” hút FDI và việc chuyển hướng trong ứng phó với đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng.
Lý giải điều này, ông Harry Loh chỉ ra 3 nguyên nhân, thứ nhất, bất chấp những trở ngại từ các hạn chế và cấm đi lại liên quan đến COVID-19, vốn FDI vẫn chảy mạnh mẽ vào Việt Nam. Vốn FDI đăng ký tăng gần 1 tỷ USD trong quý 3 là điều đáng khích lệ trong khi vốn FDI giải ngân cũng ở mức khả quan.
Thứ hai, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn đang tăng mạnh, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 70 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019. Việt Nam tiếp tục là nhà xuất khẩu lớn nhất và cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ.
Thứ ba, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đã được cải thiện đáng kể từ mức gần như bằng 0 lên hơn 20% chỉ trong vòng 5 tháng. Tại TP.HCM, tỷ lệ tiêm chủng cải thiện rất nhanh, đạt gần 80%. Tỷ lệ này không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo vệ cộng đồng tốt hơn mà còn cho phép nhà máy được sớm hoạt động trở lại.
Cũng theo UOB, bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp cứu trợ, Chính phủ Việt Nam đã công bố các kế hoạch hỗ trợ phục hồi kinh tế gồm 6 trụ cột ưu tiên bao gồm khôi phục chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn, giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp bao gồm cả các công ty FDI đang gặp phải, cải thiện thể chế theo tiêu chuẩn quốc tế và phát triển nguồn nhân lực.
Chuyên gia thậm chí nhận định, thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức cao hơn, hoặc tương đương với kết quả thu hút trên 28 tỷ USD của năm 2020. Đặc biệt, dự báo về thu hút FDI năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khởi sắc. Thông tin này càng được củng cố khi thời gian qua, các đoàn cấp cao của Việt Nam đi công tác nước ngoài thường kết hợp với xúc tiến, quảng bá môi trường đầu tư trong nước.
Là một trong những địa phương được ví như “nam châm” hút FDI, ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, nếu không có gì thay đổi thì địa phương sẽ có thêm một dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD vào tháng 12/2021, dự án này sẽ đưa thu hút FDI vào tỉnh trong năm 2021 lên tới gần 3 tỷ USD.