Để thu hút FDI tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, Việt Nam cần phải làm gì? Đây là câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khi nói về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, song thu hút vốn FDI năm 2020 của Việt Nam vẫn đạt 28,5 tỷ USD. Trong đó, có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước. Có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Bước sang năm 2021, thu hút FDI tiếp tục đạt kết quả tích cực. Hai tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư nhiều vào các ngành và lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ...
THU HÚT NGUỒN VỐN FDI LỚN TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID
Lý do Việt Nam tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước phân tích một cách khách quan.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, năm 2020 Việt Nam thu hút nhiều FDI nhưng vẫn thấp hơn năm 2019 khoảng 15%. "Con số này thấp so với chính chúng ta nhưng lại rất cao so với các nước khác trên thế giới", ông Jacques Morisset nói.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Năm 2020 Việt Nam thu hút nhiều FDI nhưng vẫn thấp hơn năm 2019 khoảng 15%. Con số này thấp so với chính chúng ta nhưng lại rất cao so với các nước khác trên thế giới.
Tuy vậy, đại diện WB lưu ý, Việt Nam cũng "cần tỉnh táo về những con số này. Bởi khi quyết định đầu tư được đưa ra bao giờ cũng có điểm trễ. Nhiều quyết định đầu tư trong năm 2020 là đã có từ năm 2019 và được thể hiện trong năm 2020, tất nhiên cũng có nhiều quyết định dừng lại. Đặc biệt, có những dự án đầu tư trong một số ngành đặc thù như dầu khí có độ trễ còn lớn hơn".
Có một điểm cộng trong thu hút FDI của Việt Nam, theo ông Jacques Morisset, đó là Việt Nam đã thành công hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh Covid. Đây chính là lợi thế cạnh tranh giúp cho Việt Nam thu hút FDI tốt hơn các nước khác. Không chỉ là các dự án đầu tư mới mà cả các dự án đầu tư FDI đã có mặt ở Việt Nam từ trước cũng được hưởng lợi thế này. Các nhà đầu tư quyết định tiếp tục dịch chuyển tài sản sản xuất của họ tới Việt Nam, nhờ vậy giúp Việt Nam lập được các thành tích rất tốt về xuất nhập khẩu trong năm 2020.
Một lý do khác khiến Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, đó là sự thay thế giữa Trung Quốc và Việt Nam ngay từ trước khi dịch Covid bùng phát. Hiện nay các nhà đầu tư tại Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang các nước khác để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, và một số nhà sản xuất đã chọn Việt Nam. "Chính sự dịch chuyển luồng đầu tư là lý do vì sao Việt Nam thu hút các FDI nhiều hơn", ông Jacques Morisset nhận định.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư đặc biệt các nhà FDI bao giờ cũng hành xử theo động cơ của họ. Họ cần nơi đầu tư an toàn, thuận lợi, có lợi nhuận và tính đến đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Trong năm 2020 Việt Nam đã chứng tỏ được đây là điểm đến có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, và đây chính là những yếu tố vô cùng quan trọng với bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào.
Mặt khác, khả năng kiềm chế, khống chế dịch bệnh của Việt Nam trong năm qua rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác đang cạnh tranh về nguồn vốn FDI với Việt Nam. Điểm sáng này khiến họ cảm thấy đây là địa điểm có thể duy trì sản xuất, duy trì cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho nền kinh tế toàn cầu ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Cũng chính điều này giúp họ giảm được cú sốc từ quá trình rung chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch.
Trong năm 2020 phần lớn các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vẫn duy trì tốt được sản xuất, duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu. "Tiếng lành đồn xa", Việt Nam có hình ảnh tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư nên tiếp tục thu hút nhiều thương vụ đầu tư lớn của các nhà đầu tư, nhiều dự án sản xuất được mở rộng.
"Chính sách thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn; nhiều cơ hội tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... là những chất xúc tác hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới", ông Bình khẳng định.
TẬN DỤNG XU HƯỚNG THU HÚT FDI
Phân tích một cách chi tiết hơn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trung tâm sản xuất của thế giới vẫn nằm ở châu Á chứ không phải châu Âu hay Hoa Kỳ. Nếu xét theo lợi thế cạnh tranh, châu Âu, Hoa Kỳ tập trung nhiều vào những ngành công nghệ cao, lĩnh vực dịch vụ, tài chính, còn lĩnh vực sản xuất tương đối giản đơn nằm tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và tại Việt Nam. Theo ông Lộc, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất cũng như là công xưởng lớn nhất của thế giới, nên việc chuyển dịch về cơ bản các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ không diễn ra.
"Trong khi yêu cầu đa dạng hoá chuỗi đó, tức dịch chuyển một phần nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đảm bảo an toàn hơn xét từ nhiều góc độ, sẽ không có chuyện chuyển hết nhà máy ra khỏi Trung Quốc", ông Lộc nói. Trung Quốc vẫn tiếp tục là công xưởng của thế giới, để an toàn các nhà đầu tư sẽ thực hiện phương thức Trung Quốc +1. Và Việt Nam có thể hưởng lợi thế đó khi đón nhận một phần sự chuyển dịch này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam
Chúng ta không chỉ tiếp nhận dòng vốn đầu tư một cách bị động như những năm trước đây mà cần lựa chọn những dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn. Cần hướng tới lựa chọn đầu tư trước làn sóng dịch chuyển này.
Không chỉ Việt Nam mà Bangladesh, hay Ấn Độ cũng có nhiều cơ hội đón nhận dòng dịch chuyển này. Song theo ông Lộc, Việt Nam tương đối có cơ hội nhiều hơn do sự ổn định về chính trị, xã hội, kinh tế; khả năng chống chịu tốt, sự linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam được khẳng định qua năm 2020; vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam gần Trung Quốc, gần trung tâm sản xuất lớn của thế giới nên khi sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam rất gần với thị trường nguyên liệu phụ tùng. Hơn nữa, lao động Việt Nam phong phú, tương đối rẻ so với Trung Quốc và các nền kinh tế khác. Việt Nam cũng đang là thị trường tiêu thụ có quy mô tăng nhanh đặc biệt tầng lớp trung lưu... Chính vì vậy, xu hướng chuyển dịch một số khâu của chuỗi cung ứng sang Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai.
Theo ông Lộc, bản chất của dòng dịch chuyển này chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ. "Chúng ta chưa có điều kiện tiếp nhận dòng đầu tư ở phân khúc cao hơn như nghiên cứu phát triển, phân phối... thu hút lắp ráp vẫn là chủ yếu do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển", ông Lộc nhận định. Để làm được điều này, ông Lộc đề xuất, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về thể chế chính sách một cách tích cực. Cần không chỉ chuẩn bị mặt bằng, không gian, nhà xưởng... cho nhà đầu tư, mà còn về các dịch vụ, hệ sinh thái cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2021
Đặc biệt chuẩn bị nguồn nhân lực, dù nhân lực ở Việt Nam đông nhưng đào tạo còn hạn chế. Hiện nay lao động qua đào tạo chỉ chiếm 27% - một tỷ lệ này rất thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt công nhân kỹ thuật. Nếu mãi là lắp ráp thì chúng ta chỉ dựa vào nguồn nền tảng lao động giá rẻ. Chúng ta phải gia tăng giá trị bằng cách đón nhận dòng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, hướng tới phân khúc cao hơn như nghiên cứu phát triển, làm thương hiệu.
Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng đang gia tăng thu hút FDI, do vậy đây thực sự là cuộc cạnh tranh. "Chúng ta không chỉ tiếp nhận dòng vốn đầu tư một cách bị động như những năm trước đây mà cần lựa chọn những dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn. Cần hướng tới lựa chọn đầu tư trước làn sóng dịch chuyển này", ông Lộc khuyến nghị.