“Số lượng doanh nghiệp ở TP.HCM cũng đông đảo nhưng doanh nghiệp NNCNC còn ít. Trong khi đó, hoạt động đầu tư vào NNCNC thì doanh nghiệp phải đi đầu chứ không phải nông dân” - ông Xô nói.
Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM hướng đến hình thành trung tâm giống cây, giống con hiện đại trong khu vực. Ảnh: N.V
Do đó, TP.HCM kêu gọi kiều bào đầu tư vào NNCNC, nhất là lĩnh vực giống. “Bản thân Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cũng có hơn 100 cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng kinh nghiệm quản lý cần thêm góp ý của mọi người” - ông Xô chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM khẳng định, việc thu hút tiềm lực từ doanh nghiệp, trí thức kiều bào có ý nghĩa lớn trong việc cùng chung sức tìm giải pháp thiết thực hiệu quả cho những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài của thành phố, trong đó có NNCNC.
Để thu hút, kêu gọi đầu tư của kiều bào vào NNCNC đạt hiệu quả, TS Nguyễn Trí Dũng - Việt kiều Nhật góp ý, Việt Nam phải khắc phục được kiểu làm ăn mạnh ai nấy làm. “Chúng ta nghiên cứu nhiều nhưng làm thì chưa được bao nhiêu. Người Việt cũng giỏi về công nghệ nhưng phát huy được sức mạnh trong NNCNC thì chưa nhiều” - ông Dũng nhấn mạnh.
Từ đó, ông Dũng cho rằng trí thức không thể làm nông vì trí thức chỉ hỗ trợ cho nông nghiệp. Chính nông dân làm việc trên đồng ruộng của họ bằng kiến thức mới giàu được.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Tony Lâm (việt kiều Mỹ) phản ánh, việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ở TP.HCM hiện gặp một rào cản là máy móc nhập vào Việt Nam phải được sản xuất từ năm 2011 đến nay. Những máy móc đó trị giá có thể lên đến 10 tỷ đồng mà ê kíp làm NNCNC có lúc cần đến cả chục chiếc máy như vậy nên cũng khó khăn khi đầu tư.