Báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 15/12, thu ngân sách năm 2022 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn đến 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.
Trong chiều ngược lại, chi ngân sách Nhà nước ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Như vậy tính đến ngày 15/12, ngân sách Nhà nước bội thu ước 240.000 tỷ đồng.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân tổng số tiền 193.400 tỷ đồng (gia hạn khoảng 105.9.00 tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87.500 tỷ đồng).
Về công tác trả nợ, dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41%GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18-19% tổng thu ngân sách Nhà nước; thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.
Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu giảm gần 30%
Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 15/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.055,32 điểm, giảm 29,6% so với cuối năm 2021. Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 64,2%GDP, giảm 29,9% so với cuối năm 2021.
"Mặc dù nền kinh tế phục hồi tích cực, song chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước lớn thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất điều hành; một số vụ việc thao túng giá chứng khoán, tin đồn thất thiệt,... đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng giảm 29,9% so với cuối năm 2021
Với thị trường trái phiếu, trước sai phạm của một số doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tục rà soát để hoàn thiện về thể chế, giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.
Nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức
Sang năm 2023, Bộ Tài chính đánh giá ở trong nước, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ việc sức mua của các thị trường bên ngoài bị thu hẹp, áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Ngoài ra, thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, cũng như tác động từ các vụ việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân...
"Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương", Bộ Tài chính xác định các mục tiêu cho năm 2023.