Theo Báo cáo Ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2020, trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ ước thực hiện dự toán thu cân đối NSNN đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng (dự toán là 1.411,3 nghìn tỷ đồng), tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với đó, ước thực hiện dự toán thu cân đối NSNN cả năm sẽ đạt 1.457,3 nghìn tỷ đồng, vượt 46 nghìn tỷ đồng (+3,3%) so dự toán, tăng 2,3% so thực hiện năm 2018. Cụ thể, các khoản thu nội địa, thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đều ước thực hiện tăng so với dự toán từ 1,9% đến 11,5%; thu NSTW vượt dự toán năm thứ 2 liên tiếp song chỉ chiếm hơn 56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu 60%-65% đề ra.
Theo báo cáo, tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 23,7% GDP cao hơn mục tiêu 23,5% GDP đề ra nhưng huy động từ thuế, phí chỉ đạt 20,2% GDP thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra.
Trong Báo cáo Ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét các nội dung liên quan bao gồm:
- Đa số địa phương đánh giá hoàn thành hoặc vượt dự toán năm 2019 song còn 14/51 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn. Trong số 4 địa phương tự cân đối hụt thu có 2 địa phương có số thu lớn không đạt dự toán là thành phố Hà Nội ước đạt 97,8% và TP Hồ Chí Minh ước đạt 94,6%.
- Công tác quản lý, sử dụng nguồn thu còn hạn chế và chưa hiệu quả. Qua kiểm toán cho thấy, một số địa phương chưa điều chỉnh kịp thời đơn giá cho thuê đất, chưa ký hợp đồng cho thuê đất đối với một số trường hợp đã được cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nhưng chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt sản lượng được cấp phép; một số khoản thu phí tại các đơn vị trực thuộc của các bộ, cơ quan trung ương được phép để lại sử dụng nhưng tỷ lệ để lại lớn, đơn vị không có nhu cầu sử dụng, tồn dư qua nhiều năm gây lãng phí nguồn lực NSNN.
- Kiến nghị xử lý tài chính tăng thu qua kết quả kiểm toán đến 30/9/2019 là 14,9 nghìn tỷ đồng.
Về chi tiết các nguồn thu, Báo cáo cho biết:
Thu nội địa ước đạt 1.195,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 26,9 nghìn tỷ đồng thì thu nội địa không đạt dự toán (-4,9 nghìn tỷ đồng), bằng 99,6% so với dự toán. Bên cạnh đó, trong cơ cấu thu nội địa, Chính phủ cần phân tích nguyên nhân, đánh giá bổ sung ảnh hưởng của việc điều chỉnh các chính sách thu, nhất là thuế bảo vệ môi trường ước thực hiện chỉ đạt 89,3% so với dự toán mặc dù năm 2019 tăng mức thuế.
Về thu từ dầu thô, ước thực hiện tăng 2,2 nghìn tỷ đồng (+4,9%) so với dự toán, giảm 19,2 nghìn tỷ đồng (-29,1%) so với thực hiện năm 2018. Theo đó, thu từ dầu thô năm 2019 tăng chủ yếu là do ước tăng sản lượng 390 nghìn tấn so với kế hoạch. Do đó, đề nghị Chính phủ bám sát biến động giá và phân tích, đánh giá tác động ảnh hưởng của nguồn thu gắn với lộ trình tăng sản lượng thực tế khai thác cho những năm tiếp theo.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, ước thực hiện cả năm đạt 335 nghìn tỷ đồng, vượt 11,5% so với dự toán và tăng 6,6% so với thực hiện năm 2018; sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT 124 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 211 nghìn tỷ đồng, vượt 21,8 nghìn tỷ đồng (+11,5%) so với dự toán.
Từ đó, KTNN đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá ảnh hưởng việc thay đổi thuế suất thuế nhập khẩu theo các FTA cũng như sự gia tăng đột biến từ nhóm hàng chính như ô tô nguyên chiếc 167,8% để có giải pháp phù hợp và củng cố cơ sở dự báo ước thực hiện khoản thu này năm 2019, đồng thời chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc hoàn thuế GTGT do qua kiểm toán cho thấy còn một số trường hợp hoàn thuế GTGT chưa phù hợp quy định 85 tỷ đồng.
Về nợ thuế, theo báo cáo, tính đến ngày 30/9/2019 tổng số nợ thuế nội địa khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2018. Để phấn đấu giảm số thuế nợ đọng năm 2019 xuống dưới 5% tổng thu NSNN như Báo cáo của Chính phủ, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế....
Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy, có 21/36 địa phương báo cáo nợ thuế không chính xác số tiền 1.297,7 tỷ đồng, còn tình trạng quản lý thu chưa chặt chẽ, kê khai thuế không đầy đủ, chưa thực hiện kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại một số địa phương.