Trong đó, thu nội địa, đạt 776,8 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán năm và tăng 12,7% so cùng kỳ năm 2016. Số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ước đạt 605,7 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4% dự toán năm và tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2016.
Thu từ dầu thô đạt 37,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,8% dự toán năm và tăng 16,1% so với cùng kỳ, trên cơ sở sản lượng dầu thanh toán đạt 11,26 triệu tấn, bằng 91,8% kế hoạch. Giá dầu thanh toán bình quân đạt 53,9 USD/thùng, cao hơn 3,9 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 237 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng thế chế độ 81,6 nghìn tỷ đồng, thì thu cân đối ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu là 155,3 nghìn tỷ đồng bằng 83,2% dự toán năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ Tài chính nhận định, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và cùng kỳ năm trước. Ước tính có 47/63 địa phương thu đạt trên 81% dự toán năm và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Có 5 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 1.013,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Bội chi ngân sách trung ương khoảng 69,6% dự toán năm; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.
Trong những tháng còn lại của năm 2017, Bộ Tài chính nhấn mạnh, tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá. Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2017 ở mức cao nhất.
Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc, tồn tại về cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung cải cách về quy trình thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Mở rộng việc mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại, tổ chức phối hợp thu và ủy nhiệm thu bằng tiền mặt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ nợ công bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững; đàm phán, đẩy nhanh tiến độ ký kết, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm...
Ngoài ra, thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; tăng cường công tác kiểm soát hải quan, triển khai các kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu liên quan đến các mặt hàng trọng điểm, các tuyến, địa bàn trọng điểm; xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán.