Việc đi làm ở thành phố lớn là điều không mấy vui vẻ. Điều đó rất đúng ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với nhiều chuyến khứ hồi mất tổng cộng 4 tiếng đồng hồ và phải chuyển tàu điện ngầm đến 10 lần.
Mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời phàn nàn về vấn đề đi lại. Các trang web đầy những vlog có nội dung như thế này: Một cư dân Thiên Tân phải thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày trong 7 năm trời để bắt chuyến tàu cao tốc đến nơi làm việc ở Tế Nam cách đó 260 km.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Học viện Quy hoạch và Thiết kế Đô thị Trung Quốc đã xác định hơn 14 triệu người trên 44 thành phố lớn của Trung Quốc đi làm trong 60 phút trở lên vào mỗi buổi chiều trong năm 2021. Tại Bắc Kinh, có tới 30% cư dân đi làm mất hơn 1 tiếng mỗi chiều.
Việc đi lại đường dài đã trở nên phổ biến đến mức hiện tượng này thậm chí còn có tên chính thức: “Đi lại cực độ.” Cụm từ này dùng để mô tả thời gian đi lại kéo dài 60-90 phút trở lên mỗi chiều.
Sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã mang lại một chút nhẹ nhõm nhưng những nhà lãnh đạo thành phố trên thế giới đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc kéo gần khoảng cách giữa nhà và nơi làm việc hơn.
Vào tháng 10 năm ngoái, Thượng Hải đã công bố một chiến dịch mới nhằm giảm tỷ lệ người dân phải di chuyển quá nhiều, hứa hẹn xây dựng một mạng lưới giao thông rộng rãi và thuận tiện hơn, đồng thời duy trì thời gian đi lại trung bình đến các khu vực trung tâm thành phố trong vòng 45 phút.
Tham vọng dài hạn của thành phố là xây dựng một mạng lưới “vòng tròn cuộc sống cộng đồng kéo dài 15 phút”. Các thử nghiệm tương tự đang được tiến hành ở những nơi khác, bao gồm cả Oxford và Paris – nơi mà Thị trưởng Anne Hidalgo đã công bố một khẩu hiệu mới vào năm 2020: “La ville des proximités” (Tạm dịch: Các thành phố của những khoảng cách gần).
Vòng tròn sinh hoạt cộng đồng 15 phút
Theo lý thuyết, thật dễ dàng đổ lỗi cho việc quá đông người đi lại trong đô thị, nhưng trên thực tế thì không hẳn là vậy. Điều thực sự quan trọng là sự tập trung hoặc phân cấp chức năng đô thị.
Khi Trung Quốc có nền kinh tế kế hoạch, mọi người sẵn sàng đi xa đến các thành phố lớn. Những người sử dụng lao động lớn do nhà nước điều hành thường cung cấp nhà ở, ăn uống, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ phúc lợi khác.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, ngay cả những người sử dụng lao động do nhà nước điều hành cũng cắt giảm tài trợ cho những phúc lợi trên. Trong khi đó, làn sóng di cư từ nông thôn tràn đến các thành phố và làm tăng nhu cầu về nhà ở, dẫn đến sự ra đời của thị trường nhà ở dân cư khổng lồ.
Kết quả của những điều này là sự tách biệt giữa công việc và nhà ở và khiến một số lượng lớn người dân phải di chuyển mất nhiều thời gian giữa nơi cư trú và nơi làm việc.
Tuy nhiên, sự phân tách các chức năng đô thị không chỉ giới hạn trong việc phát triển khu dân cư. Các thành phố xây dựng các khu công nghệ, khu công nghiệp và phố thương mại trong khi các cửa hàng quần áo, nhà hàng và tiệm cắt tóc được chuyển đến cùng một nơi như trung tâm thương mại.
Mô hình này có những hiệu quả nhất định nhưng các trung tâm thương mại và đường phố lại thường nằm xa khu dân cư, đòi hỏi người dân phải dành nhiều thời gian hơn để đi trên đường rồi mới có thể làm việc, tiêu dùng và vui chơi.
Đó là lý do tại sao các thành phố có tỷ lệ ngành dịch vụ cao như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, đã bắt đầu các mục tiêu như xây dựng vòng tròn sinh hoạt cộng đồng kéo dài 15 phút. Ý tưởng là kết hợp các chức năng đô thị trong các không gian nhỏ hơn, loại bỏ nhu cầu đi lại dài ngày. Kế hoạch là giúp mọi người đáp ứng hàng chục nhu cầu trong thời gian di chuyển 15 phút.
Những lợi ích của thành phố 15 phút là rất nhiều. Nó giúp giảm chi phí đi lại, tăng năng suất làm việc và để mọi người có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tận hưởng cuộc sống hoặc tập trung vào học tập.
Thời gian di chuyển trên đường được rút ngắn cũng có ý nghĩa đối với môi trường và đóng góp vào những sáng kiến về chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, lý tưởng về thành phố 15 phút cũng có thể sẽ vấp phải những sự phản đối, như ngành công nghiệp ô tô chẳng hạn.
(*) Tác giả: Liu Daizong. Ông là Giám đốc Chương trình Thành phố Bền vững Trung Quốc tại Viện Tài nguyên Thế giới.
Tham khảo Sixth Tone