Chưa nói đến những phân khúc cao cấp, để sở hữu một căn chung cư tầm trung ở ngoại thành Hà Nội, một cặp vợ chồng cũng phải tích cóp nhiều năm thậm chí hàng chục năm mới dám mơ ở nhà … Thủ đô.
Thu nhập 20 triệu, vợ chồng trẻ vẫn chưa đủ tiền mua nhà Thủ đô
Sau 5 năm lập nghiệp ở Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoàng My (28 tuổi, quê Phú Thọ) vẫn chưa thể mua được một căn nhà để an cư ở Thủ đô.
Chị My cho biết, chị là nhân viên truyền thông cho một công ty về công nghệ, còn chồng làm trong lĩnh vực giáo dục. Mỗi tháng, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền phí sinh hoạt hàng tháng đã chiếm gần hết tổng thu nhập, nên phần dành tiết kiệm để mua nhà chẳng đáng là bao.
“Tháng nào tôi cũng phải chi 5 triệu tiền thuê nhà, 4 triệu tiền đóng học và mua sữa cho con gái, đó là chưa kể tiền ăn uống, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thêm khoảng 5 triệu. Nếu may mắn không ốm đau thì mỗi tháng tằn tiện cũng để dư ra được 5 triệu, ngược lại nếu tháng nào có việc phát sinh thì… không để được đồng nào”, chị My nói.
Với tổng thu nhập 20 triệu tháng, việc sở hữu một căn hộ tại Hà Nội vẫn là điều khó khăn của nhiều cặp vợ chồng ngoại tỉnh làm việc tại Thủ đô. Ảnh minh họa. |
Với thu nhập hiện tại, chị My cho biết chưa dám nghĩ đến việc mua nhà Hà Nội, dù rất muốn có một nơi để “an cư”.
“Chúng tôi cũng đã thử đi khảo giá ở vài nơi, tuy nhiên ngay cả những khu chung cư giá rẻ thì giá vẫn ngoài tầm với của hai vợ chồng”, chị My nói.
Trong khi đó, sau 10 năm vất vả làm việc “tích cóp” ở Hà Nội, vợ chồng anh Huy Hoàng (36 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mới đủ tiền mua được một căn chung cư 65 m2 ở ngoại thành với giá khoảng 1,1 tỷ đồng vào năm ngoái. Anh Hoàng đánh giá, giá nhà ở Hà Nội hiện nay vẫn còn quá cao so với thu nhập của những nhân viên “làm công, ăn lương” như vợ chồng mình.
“Tôi vẫn phải vay thế chấp ngân hàng thêm khoảng 200 triệu để mua nhà và dự tính phải mất 1-2 năm tiết kiệm nữa mới có thể trả hết nợ”, anh Hoàng nói.
Theo đánh giá, giá nhà ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hiện vẫn quá cao đặc biệt đối với người thu nhập thấp. |
Giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình!
Đánh giá về giá nhà ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia nhận định, giá nhà ở vẫn quá cao đặc biệt đối với người thu nhập thấp.
Thậm chí, với những dự án nhà ở phù hợp chứ chưa nói tới tầm trung cấp hay cao cấp thì hiện nay mức giá vẫn cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/ năm.
Đơn cử như ở Hà Nội, các dự án chung cư ở phân khúc tầm trung có giá từ 20-30 triệu đồng/ m2, những căn chung cư ngoại thành Hà Nội có giá rẻ hơn cũng phải dao động thấp nhất từ 13-20 triệu/ m2. Như vậy, để sở hữu một căn chung cư có diện tích 65 m2, người lao động cũng phải chi ra không dưới bạc tỷ.
Với những dự án nhà ở phù hợp chứ chưa nói tới tầm trung cấp hay cao cấp thì hiện nay mức giá vẫn cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/ năm. |
Với giá nhà này, một cặp vợ chồng làm công chức phải dành dụm nhiều năm, thậm chí cả chục năm tiết kiệm mới đủ khả năng chi trả.
Chia sẻ với PV, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, hiện cơ cấu hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
“Thực tế, mức lương cơ bản ở Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Trong cơ cấu tiền lương chúng ta đã có quy định dành cho việc mua nhà nhưng thực tế lại không có.
Có lẽ, với mức lương hiện tại thì việc xoay xở để đủ chi tiêu hàng ngày đã khó, chứ chưa nói đến việc có dư để sở hữu một căn hộ giữa các thành phố lớn. Muốn nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà ở đô thị, thì phải tăng mức lương cơ bản lên”, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, với mức lương hiện tại thì việc xoay sở để đủ chi tiêu hàng ngày đã khó, chứ chưa nói đến việc có dư để sở hữu một căn hộ giữa các thành phố lớn. |
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ nguyên nhân giá nhà ở Việt Nam còn cao, ngoài tầm với của một đại bộ phận dân cư đô thị là do tình trạng đầu cơ, tích trữ… còn quá nhiều.
Một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường.
“Muốn xử lý tình trạng này thì phải dùng thuế. Ví dụ thời gian tới, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng việc đánh thuế đối với căn nhà thứ 2 trở đi và đánh thuế cao căn nhà có diện tích vượt hạn mức. Điều này sẽ góp phần điều chỉnh giá nhà thấp xuống, và giúp người có nhu cầu thực được tiếp cận nhà ở giá rẻ”, ông Võ nhấn mạnh.
Trước đó, trong một báo cáo đưa ra vào năm 2019, Bộ Xây Dựng cũng thừa nhận, giá cả hàng hoá bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông (theo cách tính chung hiện nay giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).
“Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/ m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30% thị trường tuỳ từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp dưới 25 triệu chiếm tới 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang mất cân đối”, báo cáo nêu.
(Theo Dân trí)