Mua đất trả thẳng, xây nhà ngay trung tâm Hải Phòng
Cặp vợ chồng Minh Hằng (hiện đang sống và làm việc tại Hải Phòng) cho biết tâm trạng rất vui sướng và hạnh phúc khi dọn về ở trong ngôi nhà của mình tại trung tâm thành phố Hải Phòng.
Ngôi nhà có diện tích là 34 mét vuông, được xây dựng trên mảnh đất mà hai vợ chồng Hằng đã mua cách đây 2 năm. Giá đất khi mua lúc đó là 340 triệu đồng.
"Ngôi nhà này được hai vợ chồng mình mua theo dạng trả thẳng một lần. Trong quá trình mua nhà, vợ chồng mình chỉ có trong tay 400 triệu tiền tiết kiệm. Sau khi mua đất hết 340 triệu, tiền xây dựng và cải tạo lại mất khoảng 400 triệu nữa".
Ngôi nhà 34 mét vuông của cặp vợ chồng trẻ Minh Hằng.
Không gian ấm cúng này đều do một tay người chồng thiết kế, làm việc với thợ để chọn nguyên vật liệu rồi tự lên ý tưởng sắp xếp đồ đạc.
Quá trình xây sửa và cải tạo nhà, hai vợ chồng đều không có đủ tiền mà phải đi vay mượn. Để không bị mất lãi, vợ chồng Hằng đi vay từ đồng nghiệp, họ hàng đến bạn bè. Hằng chia sẻ, vì gia đình nội ngoại của hai vợ chồng cũng đều là người ở quê, kinh tế không dư dả để giúp đỡ nhiều.
"Bọn mình cứ vay được bao nhiêu thì lại làm tiếp, làm đến đâu hết tiền thì lại chạy vạy vay. Chồng mình thì thiết kế, làm việc với thợ để chọn nguyên vật liệu rồi lên ý tưởng sắp xếp đồ đạc. Mình thấy nhờ tự làm nhiều việc như thế mà chi phí cũng giảm đi trông thấy. May mắn tới thời điểm hiện tại thì vợ chồng mình đã trả hết nợ và ổn định định được cuộc sống trong không gian mới rồi", Hằng chia sẻ.
Ngôi nhà là "trái ngọt" sau chuỗi ngày chi tiêu tiết kiệm
Để sở hữu được ngôi nhà giữa trung tâm Hải Phòng là cả quá trình tiết kiệm không ngừng nghỉ của hai vợ chồng. Hằng chia sẻ, mức thu nhập của hai vợ chồng không nhiều, tổng mỗi tháng là 25 triệu đồng. "Mình cũng tự đánh giá là thu nhập của hai vợ chồng không cao, lại không có thêm công việc phát sinh ngoài. Chúng mình mua đất, xây nhà bằng chính số tiền tiết kiệm được từ thu nhập mỗi tháng nên mình ý thức rất rõ việc chi tiêu hợp lý, tằn tiện quan trọng đến thế nào", Hằng chia sẻ.
Các khoản chi tiêu đều được Hằng ghi chép rất rõ ràng. Mỗi tháng số tiền ăn uống, chi tiêu, sinh hoạt khoảng 3 triệu đổ về.
Cụ thể, mỗi tháng Hằng sẽ chỉ cho phép tiền ăn uống, chi tiêu, sinh hoạt khoảng 3 triệu đổ về. Tiền phát sinh khoảng 2 triệu nữa là tổng chi 5 triệu. Số tiền tiết kiệm để ra được, trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu tháng nào không tiêu hết 5 triệu, số tiền dư sẽ bỏ lợn để tiết kiệm rồi tiêu cho những khoản phát sinh bất ngờ.
"Thỉnh thoảng chồng mình đi công trình lớn thì sẽ được thêm chút đỉnh. Số tiền này mình cũng dành để tiết kiệm hoặc dùng vào chi phí ra ngoài ăn uống khi có dịp đặc biệt. Còn ngoài ra, vợ chồng mình không có công việc làm thêm nào khác".
Dù chắt bóp các khoản chi tiêu cho việc sinh hoạt như đồ ăn thức uống hàng tháng nhưng ngắm mâm cơm của gia đình vẫn rất đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng đủ để thấy người vợ đảm cũng rất khéo vun vén. Hằng chia sẻ, mình rất chăm chỉ đi chợ đầu mối, hoặc chọn mua thực phẩm sạch đầu nguồn rồi mua với số lượng nhiều, bỏ tủ ăn dần. Các loại rau, hoa quả cũng được Hằng mua theo mùa với giá thành rẻ hơn.
Những bữa cơm gia đình của hai vợ chồng trẻ dù chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn rất ngon miệng, bổ dưỡng.
Lời khuyên chân thành: Nếu muốn mua nhà khi còn trẻ hãy biết học cách từ bỏ thú vui của bản thân
Theo Hằng, việc mua nhà cần một số tiền rất lớn và cũng là mục tiêu phấn đấu của rất nhiều người. Gia đình nào càng sớm có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì ước mơ hiện thực hóa mua nhà càng sớm nằm trong lòng bàn tay.
"Điều quan trọng là bạn phải biết bỏ đi được những chi tiêu, thú vui tao nhã của bản thân. Người trẻ thì có nhiều thứ muốn tiêu pha, mình cũng vậy. Tuy nhiên, mục tiêu mua nhà đối với mình là quan trọng nhất nên luôn đặt những thứ khác xếp phía sau. Phấn đấu mua nhà không quá to và hợp lý với mức thu nhập là điều nằm trong tay nếu chi tiêu hợp lý và có kế hoạch.
Ngoài ra, muốn sở hữu căn nhà sớm nhất có thể, bạn cần xác định chính xác lộ trình và những cách tiết kiệm để mua. Việc thiết lập mục tiêu này là rất quan trọng giúp định hình những mong muốn dựa trên tình hình tài chính của bản thân.
Chỉ cần chuẩn bị kế hoạch tài chính với mục tiêu thật rõ ràng rồi lập ngân sách chi tiêu hàng tháng sẽ giúp bạn có kế hoạch thu - chi phù hợp, biết chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết trước và kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả", Minh Hằng chia sẻ.
Ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC