Tại Việt Nam, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2022 - 2025, hộ gia đình được coi là hộ nghèo nếu đáp ứng các tiêu chí:
- Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn;
- Thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).
Trước đây, tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, tiêu chí hộ nghèo được áp dụng đến hết năm 2021 như sau:
- Ở thành thị: Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
- Ở nông thôn: Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Như vậy, so với quy định cũ, từ năm 2022, tiêu chí về hộ nghèo đã thay đổi, đặc biệt là tăng mức thu nhập để được xét là hộ nghèo.
Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung của Việt Nam là 4,8%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%.
Xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì 3 chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hộ xí hợp vệ sinh (mức độ thiếu hụt lần lượt là 18,9%, 11,4% và 6,0%).
Trong 3 chỉ số này thì 2 chỉ số là bảo hiểm y tế và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh có mức độ thiếu hụt có xu hướng giảm, riêng chỉ số giáo dục người lớn không có xu hướng giảm qua các năm trong giai đoạn 2016-2020.
Còn trên thế giới, số lượng người sống trong tình cảnh nghèo đói cùng cực đã giảm trong vài thập kỷ qua, từ 1,94 tỷ người vào năm 1982 xuống còn 696 triệu người vào năm 2017. Tại Mỹ, theo dữ liệu Cục điều tra dân số, tỷ lệ nghèo chính thức năm 2017 là 12,3%.
Năm 2021, ngưỡng nghèo của người dân Mỹ là 26.246 USD/năm đối với một gia đình 4 người. Điều này nghĩa là hộ gia đình có 2 người lớn, 2 trẻ em và thu nhập trước thuế dưới 26.246 USD/năm được coi là hộ nghèo. Ngoài ra, ngưỡng nghèo còn thay đổi tuỳ thuộc vào từng bang.
Ví dụ, ngưỡng nghèo của 48 tiểu bang liền nhau của Hoa Kỳ và Đặc khu Columbia năm 2021 như sau:
Như vậy, tại 48 tiểu bang liền nhau của Hoa Kỳ và Đặc khu Columbia, ngưỡng nghèo đối với một người năm 2021 là người có mức thu nhập thấp hơn 12.880 USD/năm (chia trung bình khoảng 24,4 triệu đồng/tháng). Con số này thấp hơn năm 2020 là 131 USD/năm (khoảng 2,9 triệu đồng/năm).
Ngưỡng nghèo tại tiểu bang Alaska năm 2021:
Tại tiểu bang Alaska, ngưỡng nghèo đối với một người năm 2021 là người có mức thu nhập thấp hơn16.090 USD/năm (chia trung bình khoảng 30,5 triệu đồng/tháng).
Ngưỡng nghèo tại tiểu bang Hawaii năm 2021:
Nếu tính trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, mặc dù không có số liệu về ngưỡng nghèo chính thức, nhưng trong giai đoạn dịch vừa qua, Bộ Tài chính Thái Lan đã đưa ra gói cứu trợ với khoảng 14,6 triệu người hiện có thu nhập trung bình dưới 100.000 baht/năm (khoảng 5,68 triệu đồng/tháng) và được nhận trợ cấp từ 300 - 500 baht (gần 10 - 16 USD) mỗi tháng.
Gói cứu trợ mới sẽ mở rộng diện hưởng lợi cho những người có thu nhập trên 100.000 baht mỗi năm nhưng không có nguồn phúc lợi khác để dựa vào như bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Thái Lan, hiện có 13,65 triệu người phải nhận trợ cấp của nhà nước. Đây là những người từ 18 tuổi trở lên và thu nhập hàng năm không vượt quá 100.000 baht (tương đương 70 triệu đồng). Tổng dân số Thái Lan hiện tại là 70 triệu người và số người trên 18 tuổi khoảng hơn 50 triệu. Như vậy, số người cần hỗ trợ tại nước này chiếm tới 30%.
Các tiêu chí được xét duyệt là người nghèo tại Thái Lan và được nhận phúc lợi bao gồm thu nhập, quyền sở hữu của họ với một số tài sản nhất định như bất động sản hay ô tô. Ngoài ra, các tiêu chí sửa đổi về xét duyệt người nghèo sẽ áp dụng thêm quy định về thu nhập trung bình của cả hộ gia đình, ví dụ nếu thu nhập trung bình của hộ gia đình vượt quá 100.000 baht/năm thì sẽ không đủ điều kiện.
Còn với Singapore, thực chất quốc gia này không có tiêu chuẩn về hộ gia đình được coi là nghèo. Tuy nhiên, với một hộ gia đình 4 người có thu nhập dưới 1.250 USD/tháng (khoảng 28,4 triệu đồng) được coi là "chật vật".
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cao. Theo phân loại của quốc gia này, người có thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ/năm (tương đương hơn 680 nghìn đồng/tháng) được xếp vào nhóm nghèo cùng cực. Chuẩn nghèo này của Trung Quốc thấp hơn một nửa so với tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) đặt ra là dưới 700 USD/năm.
Thống kê năm 1990 chỉ ra Trung Quốc có gần 658 triệu người sống dưới chuẩn nghèo, nhưng con số này đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua. Chính phủ Trung Quốc năm 2012 thông báo 115 triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực. Cuối năm 2019, con số này giảm xuống dưới 10 triệu người.
Với Malaysia, ngưỡng xác định hộ nghèo của quốc gia này là thu nhập hàng tháng từ 2.208 RM (12,1 triệu đồng/tháng) trở xuống. Khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch COVID-19 đã khiến 580.000 hộ gia đình thuộc nhóm M40 (thu nhập trung bình) đã tụt hạng xuống nhóm B40 (thu nhập thấp) tại quốc gia này.