Mấy hôm nay, dư luận xôn xao về việc một số NHTM điều chỉnh tăng phí rút tiền mặt trên ATM. Đây không phải là lần đầu vấn đề thu phí của NH nóng trên các diễn đàn. Dư luận chú ý vì nó có tác động đến hàng chục triệu chủ thẻ. Nhưng cũng vì thế, các NH vô cùng thận trọng trong từng động thái và cả "lời ăn tiếng nói" khi phát ngôn về vấn đề này.
Cơ sở cho động thái tăng phí của các NH là Thông tư 35/2012/TT-NHNN về phí dịch vụ thẻ dư nợ nội địa. Thông tư này quy định lộ trình thu phí của NHTM đối với giao dịch rút tiền mặt từ năm 2013, 2014 và sau 1/1/2015. Theo đó, từ ngày 1/1/2015 trở đi, theo quy định của NHNN, phí rút tiền mặt nội mạng trên ATM là từ 0-3 nghìn đồng/giao dịch. Nhưng, nhắc đến Thông tư 35, đến việc các NHTM thu phí ATM, chúng tôi nhớ lại "tai nạn" của lãnh đạo vụ chức năng NHNN năm 2013.
Trong buổi họp báo của Hội Thẻ NH Việt Nam khi đó, "vì mong muốn tạo ra bầu không khí cởi mở, thân thiện trong khi trao đổi các vấn đề mang nặng tính nghiệp vụ…" mà vị lãnh đạo này sau đó không những chịu búa rìu của dư luận mà còn phải làm báo cáo giải trình với lãnh đạo NHNN. Câu chuyện đã bị đẩy lên mức "nhạy cảm" cao (giờ được gọi là khủng hoảng truyền thông).
"Tai nạn", dù của một cá nhân, cũng cho thấy ngành NH phải chịu áp lực rất lớn khi đề cập đến vấn đề thu phí ATM, hay bất kể loại phí dịch vụ nào. Mỗi lần điều chỉnh, cho dù các NH đã nhiều lần, nhiều cách giải thích, nhiều dẫn chứng thực tế… song dường như dư luận vẫn không nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, công bằng hơn. Bên này NH cứ rục rịch điều chỉnh phí (chỉ là mới rục rịch thôi), thì bên kia khách hàng, dư luận lập tức có phản ứng. Ai cũng có cái lý của mình. Vì vậy ở đây, chúng tôi không dám lạm bàn ai sai, ai đúng. Chỉ xin có cái nhìn rộng hơn về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Việc tăng phí rút tiền mặt nội mạng trên ATM của các NHTM lần này ngoài lý do để bù đắp chi phí đầu tư cho phát triển các dịch vụ ATM thì có nguyên nhân rất quan trọng khác là thực hiện một trong những giải pháp nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Giao dịch thẻ nội địa trong 5 năm trở lại đây đã tăng từ mức 0,7% hồi năm 2013 lên 3%, thế nhưng có đến 80% là giao dịch rút tiền mặt.
Thực tế này đi ngược với chủ trương của Chính phủ là phát triển TTKDTM; "phụ công" của cả ngành NH nhiều năm nay đã đầu tư rất lớn cho phát triển các dịch vụ NH hiện đại, trong đó bao gồm dịch vụ thanh toán để thực hiện đề án Đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2015; và hiện nối tiếp là đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020. Để thực hiện các đề án này, ngành NH đã xây dựng và triển khai hàng loạt đề án, dự án thành phần.
Sẽ là thiển cận nếu cho rằng chỉ tăng phí rút tiền mặt hay hạn chế lượng tiền được rút trên ATM là người dân sẽ tăng TTKDTM. Nhưng rõ ràng, đây là một trong những biện pháp cần thiết, nhằm dần hình thành thói quen TTKDTM cho người dân. Ví dụ, nếu bạn rút tiền mặt trên ATM để mua một mớ rau 5 ngàn đồng ở chợ dân sinh, và phải chịu phí 1.620 đồng thì đúng là vô lý đến "bức xúc".
Nhưng, sau khi tính toán thấy bị thiệt như vậy, bạn vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi (nay mọc lên khắp nơi), dùng thẻ để thanh toán với giá rau có khi còn rẻ hơn ngoài chợ, hay chí ít có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu thanh toán đạt số dư nhất định, bạn còn được chiết khấu, được hưởng các chương trình khuyến mại, quay số trúng thưởng… mà NH liên kết với nhiều ngành hàng, đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ triển khai liên tục.
Dùng thẻ bạn sẽ chịu phí dịch vụ. Trong khi, mua rau ngoài chợ giá rẻ hơn, tiện hơn trong siêu thị. Nhưng nếu bình tĩnh suy xét, tính toán tổng thể thì khi TTKDTM, bạn sẽ có lợi hơn nhiều. Cả nền kinh tế cũng được lợi. Chả thế, thương mại điện tử hiện đã, đang rất phát triển, nhanh đến mức chính các NH cũng nhìn nhận đây là thách thức thực sự đối với họ trong vấn đề cung cấp dịch vụ thanh toán.
Tạm gác lại chuyện NH sẽ tăng phí rút tiền mặt để đọc thông tin về người hát rong ở Trung Quốc đã nhận tiền của khách bộ hành qua mã QR. Hay Tianhong YuE Bao Money Market Fund - cỗ máy tài chính của Jack Ma - xử lý các giao dịch thanh toán di động có tổng giá trị hơn 2.400 tỷ USD mỗi quý… Vâng, đó là thế giới, là thiên tài Jack Ma. Nhưng cũng từ thực tế đó, nếu chúng ta không từng bước đi theo xu hướng chung của thế giới, không có lộ trình phù hợp thì sẽ bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ.