Nhà đầu tư kêu khó!
Hiện cả nước có khoảng 90 trạm thu phí BOT và phần lớn vẫn đang dụng hình thức thu phí thủ công (con người và hệ thống máy tính). Việc thu phí thủ công đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng ùn tắc giao thông trước và sau trạm thu phí, đặc biệt là trạm cửa ngõ các thành phố lớn. Cùng đó, lực lượng lao động tham gia thu phí rất lớn, dẫn đến chi phí bị đội lên rất cao. Đặc biệt là không thể công khai, minh bạch doanh thu trên đầu phương tiện đi qua trạm thu phí. Được biết, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc 17 sở GTVT các tỉnh thành có trạm thu phí do địa phương làm cơ quan nhà nước thẩm quyền họp để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Hiện VETC và các nhà đầu tư BOT đã triển khai được 115 làn/28 trạm đã được vận hành hệ thống thu phí không dừng. Số còn lại do chưa ký được hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT và VETC.
Việc thu phí tự động không dừng là điều tất yếu. Tại Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất đến 31.12.2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành để thực hiện thu theo hình thức điện tử tự động không dừng. Nhưng đến nay việc bàn giao vẫn chưa được thực hiện xong. Tại buổi kiểm tra tại một số trạm thu phí BOT ngày 15.6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã đưa ra yêu cầu với các nhà đầu tư BOT nếu ngày 30.6 không ký hợp đồng sẽ dừng thu phí và đến 30.10.2019 phải lắp đặt xong thiết bị để vận hành.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đại diện Cty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang cho rằng hiện chi phí tổ chức thu của VETC bao gồm 2 phần là chi phí thường xuyên và chi phí hoàn vốn là không hợp lý gây khó khăn cho DN, vì VETC phải lập dự toán chi phí tổ chức thu giống như nhà đầu tư BOT. Cùng đó, đại diện nhà đầu tư BOT Phả Lại cho rằng hiện đã xong thiết kế kỹ thuật sẽ hoàn thành đúng tiến độ của Bộ GTVT yêu cầu. Nhưng nhà đầu tư này lại đề xuất tạm thời cho phép lắp 2 làn thu tự động trong năm 2019. Vì hiện doanh thu trạm rất thấp so với phương án tài chính, chỉ khoảng 500 triệu đồng/ngày, nguyên nhân do có nhiều đường ngang và miễn giảm thu phí.
Cùng đó, dự án có tiến độ thu phí chậm nên ngân hàng không gia hạn cho vay và hiện Cty đang phải trích 3% trên doanh thu, tương đương với trước đây trong phương án tài chính nhà đầu tư được hưởng chi phí tổ chức thu.
Chủ phương tiện cũng chưa “mặn mà”
Một trong những điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí không dừng, theo đại diện Cty TNHH Thu phí tự động VETC hiện nhiều nhà đầu tư chưa hợp tác hoặc hợp tác cầm chừng trong việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí và thói quen dùng tiền mặt và sự e dè ngại sử dụng của chủ phương tiện nên số lượng khách hàng đã dán thẻ nhưng chưa nạp tiền sử dụng dịch vụ còn thấp.
Theo thống kê hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu ôtô, nhưng lượng xe dán thẻ E-Tag mới trên một triệu xe. Do đó, nếu việc triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỉ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu. Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng với lượng phương tiện lớn như vậy, khách hàng phải trả tiền trước nhưng không sử dụng thường xuyên vậy chủ đầu tư có trả lãi cho họ không. Cùng đó, nhiều chủ đầu tư cũng cho rằng, mỗi hàng tháng số tiến thu phí của họ rất lớn vậy ai sẽ trả cho họ phần lãi suất này.
Trước vấn đề này, Phó TGĐ Cty thu phí tự động VETC - Hồ Trọng Vinh cho biết, lãi suất của doanh thu thu phí là của nhà đầu tư, VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ. Hiện VETC thanh toán ngay trong ngày, không để qua đêm, nên các trạm thu phí 6h sáng chốt doanh thu, 9h sáng chuyển tiền cho chủ đầu tư BOT.
Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc 17 sở GTVT các tỉnh thành có trạm thu phí do địa phương làm cơ quan nhà nước thẩm quyền họp để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Theo đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp thanh toán mới trong thu phí tự động không dừng, đưa ra các chế tài xử lý trong hoạt thu phí tự động không dừng đối với nhà cung cấp dịch vụ thu phí, nhà đầu tư BOT và chủ phương tiện.