Đề xuất Thí điểm với cao tốc Bắc - Nam
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, Bộ đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định. Nếu Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề án Chính phủ có thể giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính xây dựng mức phí, cách thu, thời điểm thu. Do đó, hiện chưa nói được sẽ thu phí cao tốc đầu tư công từ bao giờ, mức thu ra sao, thu với tuyến nào. Việc thu phí cao tốc đầu tư công cần Quốc hội thông qua do Luật Giao thông đường bộ quy định không thu phí với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, thay bằng thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm.
“Việc thu phí cao tốc đầu tư công có thể thực hiện ngay hay chờ tới khi sửa Luật Giao thông đường bộ sẽ do Quốc hội quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết. Trước mắt, khi các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư công hoàn thành, các phương tiện lưu thông miễn phí.
Quy định hiện hành chưa thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Ảnh: Phạm Thanh
Tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT trình Chính phủ phương án thu hồi vốn đầu tư với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông và kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương. Trước mắt là thu phí với 8 đoạn đầu tư công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang thi công, tiến tới thu phí với các tuyến cao tốc đầu tư công khác. Mức phí có thể từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi, tổng số phí thu về ngân sách tại 8 đoạn cao tốc trên khoảng 2.130 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí bảo trì, chi cho hoạt động thu phí).
Dự kiến, trong ít ngày tới, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ đưa vào khai thác. Tiếp đó, nửa đầu năm 2022, sẽ khai thác thêm đoạn cao tốc Cam Lộ- La Sơn và La Sơn - Tuý Loan, giai đoạn cuối năm 2022-2023 các đoạn còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng lần lượt đưa vào sử dụng. Trừ 3 đoạn đầu tư theo hình thức BOT, những đoạn dự án trên đều đầu tư bằng vốn ngân sách.
Phí chồng phí
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đồng thời vẫn duy trì thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện ô tô như hiện nay. Trong đó, các tuyến thu phí là đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị theo chuẩn cao tốc. Bộ Tài chính quy định mức thu phí với tuyến cao tốc do trung ương quản lý, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu với đường cao tốc do địa phương quản lý.
Một số chuyên gia giao thông như TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia nghiên cứu dự án giao thông), TS Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền… khi được hỏi đều nêu quan điểm cho rằng, có thể thu phí với cao tốc được đầu tư bằng ngân sách. Với điều kiện cao tốc thu phí phải có tuyến quốc lộ song song miễn phí, để người dân có quyền lựa chọn vì đã đóng phí bảo trì.
Thực tế, điều kiện này cũng khó đạt được ngay với cao tốc Bắc - Nam, khi tuyến song song là Quốc lộ 1 có nhiều đoạn đang thu phí BOT.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) tỏ ra không đồng tình phương án thu phí cao tốc đầu tư công, do xảy ra tình trạng “phí chồng phí”, nhất là khi ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm.
Với cao tốc đầu tư công, tới nay chỉ có đoạn TPHCM - Trung Lương đang khai thác và miễn phí. Tuyến cao tốc này được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vốn ngân sách, giai đoạn 2011-2018 được Nhà nước nhượng quyền thu phí. Khi hợp đồng này kết thúc, từ đầu năm 2019 tới nay vẫn dừng thu phí. Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) - đơn vị quản lý tuyến đường cho hay, sau khi dừng thu phí, tuyến đường hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa. Phải tới tháng 9 vừa qua, tuyến cao tốc dài 62km này mới được Nhà nước bố trí 105 tỷ đồng để sửa chữa.
Năm 2020, Bộ Tài chính từng báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Bộ này tính toán có thể thu mức phí từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi. Bộ Tài chính đề xuất áp dụng theo Luật Giá để tránh “phí chồng phí”.