TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này.
Thưa TS Đỗ Mỹ Linh, bà đánh giá thế nào về việc tăng thu phí dịch vụ của ngân hàng trong thời gian gần đây?
- Các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng đang khá hoang mang trước sự kiện thay đổi biểu phí dịch vụ của ngân hàng, trong đó nổi lên là trường hợp của Ngân hàng Vietcombank. Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ đây không hoàn toàn là việc tăng phí dịch vụ, vì bên cạnh nhiều dịch vụ có phí được điều chỉnh tăng thì cũng có nhiều dịch vụ điều chỉnh giảm, nhiều dịch vụ có mức phí thay đổi theo khối lượng giao dịch chứ không cào bằng với một mức thu phí.
Ví dụ như theo quy định trước đây, chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank bằng Internet banking có mức phí duy nhất là 11.000 đồng/giao dịch thì nay được điều chỉnh là với khối lượng dưới 10 triệu sẽ có mức phí 7.700 đồng/giao dịch, trên 10 triệu là 0.02% trên tổng số tiền giao dịch. Tuy nhiên, về tổng thể thì xu hướng tăng phí dịch vụ là điểm dễ nhận thấy từ sự thay đổi này. Đặc biệt với việc chuyển tiền cùng hệ thống từ dịch vụ Mobile Banking đang từ miễn phí lên 2.200 đồng/giao dịch khiến cho khách hàng có những phản ứng tiêu cực trước sự kiện này cũng là điều dễ hiểu”.
Liệu việc tăng các mức phí như hiện tại là quá cao nên mới dẫn đến phản ứng không, thưa bà?
- Tôi cho rằng cần đánh giá sự kiện này ở hai khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, sự vận hành của quy luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường sẽ giúp xác định giá cả của sản phẩm/dịch vụ, do đó khi khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của ngân hàng, thì việc phải trả phí cho ngân hàng là điều đương nhiên. Phí này không những giúp ngân hàng bù đắp cho chi phí đầu tư, chi phí hoạt động, mà còn giúp ngân hàng có nguồn để tái đầu tư, nâng cấp hệ thống, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bênh cạnh quy luật cung cầu để xác định giá, các nhà quản lý sẽ sử dụng nhiều chiến lược kinh doanh khác nhau để đạt được mục tiêu, trong đó có chiến lược giá. Chiến lược giá với sản phẩm mới thì thời gian đầu ra mắt, xu hướng giảm giá thậm chí miễn phí để khuyến khích và thu hút người dùng được dùng khá phổ biến. Sau một thời gian, khi thị trường đã quen với sản phẩm thì nhà quản lý sẽ tiến hành nâng giá để giá cả về đúng giá trị của sản phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề cần trao đổi ở đây là nên nâng giá bao nhiêu và với lộ trình như thế nào? Cùng với đó là cách thức truyền thông ra sao để tránh thị trường có những cú sốc tiêu cực, từ đó làm tổn hại khách hàng và doanh nghiệp thì phụ thuộc rất lớn nằm ở tài năng và sự khéo léo của nhà quản lý. Có thể thấy, dịp vừa qua nhiều ngân hàng đã chủ quan với phản ứng của thị trường, khâu truyền thông đã làm chưa tốt.
Tôi luôn có quan điểm là “giá cả đi đôi với chất lượng”. Với mỗi sự kiện tăng giá, khi giá mới tăng khách hàng sẽ có cảm giác khó chịu với biến động, nhưng nếu chất lượng sản phẩm tăng tương ứng thì chắc chắn cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng tan biến và khách hàng sẽ vẫn tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Ngược lại, nếu giá sản phẩm tăng mà chất lượng không tương xứng, trong khi thị trường có những sản phẩm tương tự với mức phí rẻ hơn thì chắc chắn khách hàng sẽ thay đổi, ngân hàng tăng giá sẽ rất ít khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận. Đặc biệt, trong thị trường ngân hàng hiện nay khi mà chúng ta đều thấy là các ngân hàng cạnh tranh rất gay gắt, khách hàng dễ dàng chuyển đổi sang ngân hàng khác với chi phí thấp và thủ tục đơn giản.
Sự kiện này chắc chắn sẽ hình thành một làn sóng nhỏ khách hàng chuyển đổi sang những ngân hàng có mức phí thấp hơn. Như vậy, khách hàng sẽ là người duy nhất có quyền phán quyết mức phí nào là hợp lý dựa trên sự hài lòng tổng thể của họ đến từ chất lượng chất lượng sản phẩm và khả năng tài chính.
Giải pháp nào để kiểm soát được việc tăng phí này, liệu có cần một quy định chung của pháp luật cho việc tăng thu này không?
- Bàn về phương diện kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta đang vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và gia nhập các tổ chức quốc tế thế giới nên rất cần có sự tôn trọng với những điều chỉnh của tự thân thị trường dựa trên những quy luật vốn có của nó như cung cầu, giá trị, cạnh tranh…. Tuy vậy, cũng không thể thả lỏng thị trường hoàn toàn vì thị trường cũng có những khiếm khuyết nhất định nên nhà nước cũng cần có những can thiệp nhất định.
Việc ngay lập tức có những quy định chung của pháp luật cho việc tăng thu phí dịch vụ ngân hàng là không cần thiết. Với mức độ cạnh tranh trong ngành ngân hàng như hiện nay thì chính thị trường sẽ giúp điều chỉnh về điểm cân bằng cả về mức phí với chất lượng sản phẩm. Khi một ngân hàng có phí dịch vụ của một ngân hàng quá cao so với thị trường thì họ sẽ mất khách hàng từ đó mất doanh thu và lợi nhuận. Nhưng nếu mức tăng đó đi đôi với chất lượng và phù hợp với khả năng của người tiêu dùng thì việc tăng phí sẽ được coi là hợp lý. Do đó chưa cần thiết phải có một quy định pháp lý cho việc thu phí dịch vụ ngân hàng.