Với mục đích hạn chế xe vào nội đô để giảm ùn tắc, từ năm 2018, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP HCM (DVCI) được UBND TP HCM giao thu phí đỗ ôtô ở 23 tuyến đường trung tâm.
Hiện, các tuyến đường cho đỗ ôtô có thu phí giảm từ 23 xuống còn 20, với khoảng 1.000 vị trí cho xe đậu. 67 thanh niên xung phong đang được giao phụ trách thu và các quy trình vận hành đi vào bài bản.
Điểm thu phí ô tô trên đường Lê Lai, Quận 1, TP HCM. Ảnh: Lê Mỹ
Như công bố gần đây của DVCI, sau thời gian triển khai, tài xế dần nâng cao ý thức, chấp hành đỗ xe trả phí không dùng tiền mặt. Số tiền thu được cũng tăng qua các năm. Riêng năm 2021, thành phố bị ảnh hưởng nặng do dịch nhưng mức thu vẫn cao hơn 132% năm 2020.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP HCM lại vừa để xuất lãnh đạo thành phố phê duyệt bổ sung hơn 30 tuyến đường có thu phí đối với phương tiện ôtô dừng, đậu trên lòng đường ở nhiều quận trung tâm. Như vậy, cùng với hơn 20 tuyến đường đang được thu phí từ năm 2018, thành phố kỳ vọng sẽ tăng thêm tiền thu phí từ các phương tiện đậu ở lòng đường.
Tuy nhiên, như con số công bố, số tiền thu phí luôn rất ít, thậm chí ngân sách từng phải bù lỗ để trả lương cho nhân viên, chi phí quản lý. Năm 2021, việc thu phí lỗ 8 tỷ đồng trả nhân viên, phần mềm. Nên câu chuyện đề xuất thêm thu phí thêm 30 tuyến đường và câu chuyện lỗ 8 tỷ đồng vô tình nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Lý giải nguồn thu không đủ bù chi, đại diện DVCI cho biết nhiều người không chịu đăng ký qua ứng dụng thu phí nên dễ gây thất thoát. Lòng đường một số tuyến cho ôtô đậu có thu phí bị nhiều cửa hàng kinh doanh, khách sạn, nhà xe chiếm dụng, cản trở việc thu phí.
Trong đó, nguyên nhân chính khiến thu phí không như kỳ vọng do nhiều xe đỗ dưới lòng đường nhưng không chịu đóng tiền. Hiện, các bên liên quan phối hợp để giải quyết vấn đề này, trong đó tập trung phạt nguội; giải pháp công nghệ như triển khai hệ thống cảm biến ghi nhận xe ra vào, bổ sung hình thức thanh toán thuận tiện...v..v.
Vì sao thu phí ô tô theo giờ tại TP HCM chưa hiệu quả?
Ông Nguyễn Đức Tuấn - Phó Giám đốc DVCI lý giải rằng, thu phí đỗ xe ở đường trung tâm nhằm giảm ùn tắc chứ không đặt nặng doanh thu. “Ngay từ đầu công ty xác định thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường không để kinh doanh. Chúng tôi không đặt nặng "lời - lỗ" mà mục đích chính là giúp giao thông ở khu trung tâm thông thoáng, trật tự. Việc giảm ùn tắc mang lại lợi ích lâu dài cho cả thành phố chứ không chỉ là ở số tiền thu được”, ông Nguyễn Đức Tuấn nói.
Liên quan đến việc con số lỗ 8 tỷ đồng nói trên, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Ngô Hải Đường cho biết: “DVCI phải chịu trách nhiệm về khoản tiền lỗ gần 8 tỷ đồng từ thu phí đậu ô tô trong năm 2021, ngân sách TP Hồ Chí Minh không phải bù vào”.
Thế nhưng, dưới góc nhìn của dư luận thì những lý do mà các vị quản lý đưa ra chỉ là một phần của sự biện minh. Một phần nó diễn ra ở giai đoạn công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh ở mọi khía cạnh, trên mọi lĩnh vực. Thành thử vấn đề này dư luận lại dễ hướng lái theo suy nghĩ “có mùi tiêu cực” ở đây chăng?
Thật ra, 8 tỷ đồng không phải là số lỗ quá lớn so với khá nhiều dự án tai tiếng khác. Nhưng thất thu từ nguồn dễ thu, dễ làm và dễ triển khai, hầu như không phải đầu tư hay kinh doanh, sản xuất gì khiến dư luận phản ứng dữ dội là hoàn toàn đúng.
Hẳn các vị quản lý, có trách nhiệm cũng đã lắng nghe được nhiều băn khoăn, phản ứng từ dư luận. Đó là: Người ta nói, đường phố có sẵn, TP HCM có số lượng ôtô nhất nước, chỉ tổ chức thu phí đỗ xe, nhưng vẫn lỗ là quá khó hiểu. Người ta nói, tổ chức một bộ máy để kiếm tiền, nhưng không quản được bộ máy đó thì chỉ có mất tiền.
Rồi người ta lại nói, đâu đó có mùi “tham nhũng vặt” ở đây. Người ta nói những nhóm thu phí đỗ xe tự phát “ăn nên làm ra”. Người ta nói thôi tốt nhất là dẹp luôn để đấu thầu giao cho tư nhân quản lý…v..v.
Đấy là băn khoăn, câu hỏi cần được các cơ quan quản lý và chính DVCI trả lời thỏa đáng chứ không phải là đổ lỗi cho dịch bệnh, giãn cách hay ý thức của người đậu xe lòng đường.
Khi chưa có lời giải vì sao thu được thấp và có những con số ít đến ngạc nhiên như vậy thì giải pháp tăng thu từ 23 lên 50 tuyến đường hoặc phạt nặng, chế tài người trốn phí xem ra chưa thuyết phục và khó được đồng tình. Với cách làm hiện nay thì lên 50 tuyến đường sẽ phải trả lương thêm cho bao nhiêu nhân viên và liệu có kiểm soát được thất thoát nếu có?
Có lẽ, cần nghiêm túc rà soát lại việc thu phí xem có bị thất thoát khâu nào không? Các tuyến phố thu phí cần lắp đặt các biển thông báo cụ thể mức thu phí, hình thức thanh toán tại các nơi dễ quan sát. Lắp đặt hệ thống camera quan sát các tuyến phố thu phí để góp phần kiểm soát lượng xe ra vào. Sử dụng tài khoản chuyên thu để phân tách rõ dòng tiền từ hoạt động này..v..v.
Nếu cách thu cũ vẫn không cho thấy tín hiệu khả quan thì phải mạnh dạn thay đổi. Thay đổi bằng cách cho tư nhân đấu thầu, bởi lúc này, một hay nhiều tỷ đồng thì từng đồng đem về cho ngân sách trong lúc này đều cần phải chắt chiu.