Tuy phương án thu phí ô tô vào nội đô đã tạm gác lại để nghiên cứu thêm nhưng theo nhiều chuyên gia, sớm hay muộn việc này cũng phải thực hiện.
Với những khả năng như vậy, liệu chính sách này sẽ tác động thế nào đến thị trường ô tô tại Việt Nam?
Doanh nghiệp ô tô có lo giảm doanh số?
Có thể nói, chủ trương thu phí ô tô vào nội đô không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM mà ngay lập tức đã khiến các doanh nghiệp sản xuất xe hơi tại Việt Nam phải chú ý.
Theo chuyên gia, thu phí ô tô vào nội đô sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến cách sử dụng xe, ít ảnh hưởng tới doanh số. Ảnh: Nam Khánh
Bởi ngay sau khi có thông tin về khả năng thực hiện phương án này, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đã phải nhóm họp nhằm thích ứng với tình hình mới.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, việc thu phí ô tô vào nội đô chắc chắn phải thực hiện để giảm lượng xe lưu thông vào nội đô, giảm tắc đường.
Đây là xu thế tất yếu của các đô thị lõi khi đạt đến ngưỡng quá tải về hạ tầng giao thông.
“Ngay sau khi có thông tin này, VAMA đã có cuộc họp và đưa vấn đề này ra để bàn. Tuy nhiên, sau khi có thông tin Hà Nội chưa đồng ý triển khai đề án, các ý kiến đều cho rằng, với những thông tin như hiện nay thì chưa thể đưa ra bất kỳ đánh giá hay nhận định nào”, vị đại diện cho biết thêm.
Tuy nhiên với tư cách cá nhân, vị này nhận định, việc thu phí ô tô vào nội đô hầu như sẽ không mấy ảnh hưởng đến thị trường ô tô tại Việt Nam.
Nếu có thì cũng rất ít và chủ yếu xoay quanh lý do chi phí sử dụng ô tô sẽ tốn kém hơn. Tuy nhiên, đối với những người có nhu cầu thật sự, họ vẫn sẽ mua xe, có thể sử dụng đi làm trong nội đô hoặc phục vụ cho những chuyến đi xa.
Hơn nữa, thị trường ô tô tại Việt Nam hiện cơ bản không phụ thuộc quá nhiều vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM mà đang có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các địa phương khác.
Nếu khoảng 10 năm trước, lượng bán xe tại Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 40% thị phần của cả nước thì đến nay chỉ còn khoảng 15%.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam cho rằng, việc thu phí vào nội đô nhằm mục đích điều tiết giao thông.
Về lâu dài, chính sách này có tác động điều tiết cả thị trường ô tô. “Khi thực hiện thu phí, người sở hữu ô tô sẽ phải tính toán việc đi lại phù hợp nhất để tiết kiệm chi phí”, vị đại diện doanh nghiệp cho hay.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, các nước tiên tiến đều thu phí vào trung tâm để giảm áp lực lên khu đô thị lõi. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng của họ đủ tốt để người đi xe riêng có chỗ gửi xe trước khi lên xe buýt hay tàu điện vào trung tâm.
Đồng thời, khu trung tâm bị giới hạn xe riêng chỉ trong phạm vi một hai đơn vị hành chính (tương đương 1-2 quận của Hà Nội), chứ không giới hạn khu trung tâm là toàn bộ nội thành.
Cũng theo ông Đồng, thị trường ô tô cá nhân rộng hơn phạm vi của một vài thành phố lớn, cho nên nói có tác động thì chỉ có tác động đến người dân ở đô thị lõi. Còn trên bình diện cả nước sẽ chưa có tác động gì lớn đến doanh số tiêu dùng ô tô.
Chỉ ảnh hưởng cách sử dụng ô tô
Doanh số xe có thể sẽ chịu tác động từ việc thu phí ô tô vào nội đô. Ảnh: Thanh Tùng
Với vai trò người làm kinh doanh ô tô nhiều năm, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc VinFast Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, nhu cầu ô tô cá nhân rất lớn. Một là do yếu tố dịch bệnh nên nhu cầu mua xe để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình tăng lên một cách tự nhiên. Hai là kinh tế vào ngưỡng thu nhập trung bình nên xã hội sẽ vào giai đoạn ô tô hóa. Bởi thế, việc thu phí vào nội đô Hà Nội và TP.HCM không ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường, không tác động xấu lên doanh số tiêu thụ ô tô”.
Một chuyên gia khác cho biết, khi chính thức thu phí ô tô vào nội đô phải đáp ứng đủ nhiều điều kiện, trong đó giao thông công cộng phải phát triển. Nhưng với tình hình như hiện nay thì điều này chưa khả thi.
“Giao thông công cộng phát triển mới khiến người dân đặt ra bài toán chi phí khi đi ô tô cá nhân hay phương tiện công cộng vào nội đô. Còn nếu giao thông công cộng chưa phát triển mà thu phí thì nhiều người dù có phải nộp phí vẫn sẽ chấp nhận đi ô tô cá nhân vì sự thuận tiện”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh yếu tố thuận tiện, còn hai yếu tố tác động đến việc một người có mua ô tô hay không, đó là khả năng tài chính và chi phí để vận hành xe.
Trong đó, yếu tố khả năng tài chính không bị ảnh hưởng bởi việc thu phí vào nội đô nhưng đây lại là yếu tố lớn nhất tác động đến việc có mua xe hay không. Nếu đã mua được xe, họ có thể không sử dụng để đi nhiều vào nội đô mà để đi những nơi khác.
Việc thu phí ô tô vào nội đô có thể sẽ ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng đến cách sử dụng ô tô chứ không phải tới việc có mua xe hay không.
Như ở Nhật Bản, đất nước khoảng 100 triệu dân bán ra khoảng 6 triệu ô tô/ năm, nhiều gấp đôi lượng xe máy bán ra ở Việt Nam trong 1 năm.
Tuy nhiên để vào nội đô, họ vẫn sử dụng các tuyến metro, tàu điện… vì sự thuận tiện. Có thể thấy họ vẫn mua ô tô nhưng để sử dụng vào mục đích khác, không phải để di chuyển vào nội đô.
Cuối cùng, điều có lẽ sẽ ảnh hưởng đến việc có mua xe hay không là chi phí để vận hành xe. Để vào nội đô thì phải nộp phí sẽ ảnh hưởng đến một số người ngại chi phí sử dụng cao nên sẽ không mua ô tô. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều”, chuyên gia phân tích.
(Theo Báo Giao Thông)