Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết HTX này có 18 hộ dân tham gia, chủ yếu nuôi dạng cầm chừng do thời gian dài lâm vào cảnh thua lỗ.
Cho cá ốm chờ cơ hội
Nhiều hộ chỉ có thể đầu tư thả nuôi bằng 1/4 sản lượng so với trước đây. Để hạn chế lỗ do cá tra rớt giá, nhiều hộ đã tính tới chuyện cho cá ốm đi bằng cách cho ăn ít lại nhằm kéo dài thời gian nuôi. Khi nào giá nhích lên thì bắt đầu cho cá ăn nhiều hơn để thu hoạch.
"Trước đây, có hộ nuôi đến 3.000 tấn cá thương phẩm thì nay chỉ còn khoảng 500 tấn hoặc hơn chút ít. Là hội viên của HTX nhưng thực chất nhiều người đang nuôi gia công thuê cho các doanh nghiệp do không còn vốn đầu tư. Việc ép cho cá ốm cũng là cách làm bất đắc dĩ để kéo dài thời gian nuôi, tránh bị lỗ nặng" - ông Nguyên giải thích.
Theo ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 ha diện tích nuôi cá tra thương phẩm, tăng khoảng 7,7% so với cùng kỳ. Ước diện tích thu hoạch cá tra khoảng 549 ha với sản lượng hơn 210.000 tấn, tăng 4.400 tấn so cùng kỳ. Giá bán cá tra thương phẩm dao động từ 20.000 - 22.500 đồng/kg. Với giá cá này, người nuôi lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang
Tỉnh An Giang có 20 doanh nghiệp với 23 nhà máy chế biến cá tra, công suất chế biến 323.420 tấn/năm. Sản lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 39.000 tấn, kim ngạch 95,89 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu cá tra gặp trở ngại, giá bán cá tra nguyên liệu chưa có dấu hiệu khởi sắc. Việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn trong 4 tháng đầu năm như Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ giảm về số lượng và giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, một số thị trường tăng như Mỹ, Nga và các thị trường khác vẫn ổn định hoặc tăng nhẹ. Thời điểm cuối tháng 5, có một số tín hiệu tăng nhẹ trở lại từ thị trường Trung Quốc.
Chuyển hướng nuôi thủy sản giá trị kinh tế cao
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản An Giang cho rằng tình hình thị trường xuất khẩu cá tra thời gian qua không ổn định dẫn đến việc cơ sở nuôi thương phẩm chủ động cắt giảm lượng thức ăn nhằm kéo dài thời gian nuôi, thời gian thu hoạch. Nhiều hộ ương giống trong các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp tạm ngưng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất các loại giống khác. Sự liên kết của các thành viên tham gia chuỗi liên kết cá tra 3 cấp chưa thật sự bền vững, đặc biệt là khâu liên kết tiêu thụ cá giống với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trước diễn biến này, nhiều hộ nuôi cá tra và các loại cá hiệu quả thấp đã chuyển sang nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, cá hô, cá chạch lấu, cá chốt, tôm càng xanh, ếch… Thị trường tiêu thụ các loài thủy sản này chủ yếu là nội địa và xuất tiểu ngạch sang Campuchia với giá bán cao. Sản lượng nuôi dự kiến tăng nhiều vào 6 tháng cuối năm, đóng góp vào tăng trưởng chung của lĩnh vực thủy sản năm 2021.
"Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế tăng trưởng chậm do dịch Covid-19. Ngành thủy sản đã xác định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên thời gian tới tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hiện có là 1.226 ha theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất nuôi. Đồng thời, phát triển một số loại thủy sản nuôi tiềm năng và một số loại có giá trị kinh tế để đóng góp vào tăng trưởng thủy sản, đạt mục tiêu sản lượng thu hoạch vào khoảng 4.075 tấn trong năm nay" - ông Trần Anh Dũng khẳng định.
Gắn kết doanh nghiệp và người nuôi
Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng cần đẩy mạnh việc liên kết và tiêu thụ cá tra giữa doanh nghiệp và các hộ nuôi để người nuôi có thể sản xuất và tiêu thụ ổn định. Đề nghị nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thủy sản đối với vùng nuôi thủy sản công nghệ cao, sản xuất giống cá tra tham gia đề án cá tra 3 cấp. Phát triển thêm diện tích nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao để cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Từ đó, giảm tải áp lực đối với ngành hàng xuất khẩu cá tra trong thời điểm khó khăn về giá cả và thị trường hiện nay.