Băn khoăn chọn cây gì?
Đợt dịch bệnh vừa qua đã làm hàng chục ha hồ tiêu của nông dân xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Bà con đang tìm cây trồng khác để thay thế diện tích hồ tiêu bị chết, tuy nhiên chọn cây gì để vừa phù hợp với thổ nhưỡng, vừa mang lại lợi nhuận cao, ổn định đầu ra là bài toàn khó.
Cây mía là cây trồng có quy hoạch gắn với nhà máy sản xuất nhưng hiện nay giá đang rớt thảm. Ảnh: Trần Hiền
Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Chư Sê, trong năm 2017 đã có 736ha trồng tiêu được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Trong đó, cây bơ chiếm 156ha, cây nghệ (85,9ha); đinh lăng (12,8ha). Hiện diện tích nghệ, đinh lăng đang tăng gấp 2 lần so với năm 2016. |
Theo thống kê, hiện xã Cư Đrăm có khoảng 70ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh (nếu tính cả diện tích mới trồng từ năm 2015-2016 thì tổng diện tích hồ tiêu ở đây lên đến hơn 100ha). Cuối năm 2017, đầu năm 2018 do mưa nhiều, xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm trên diện rộng nên hồ tiêu chết hàng loạt. Đến nay, hơn 1/2 diện tích hồ tiêu của bà con đã chết, số còn lại đa số cũng bị nhiễm bệnh.
Ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) có vườn tiêu hơn 2.000 trụ giờ chỉ còn lác đác vài chục trụ và hiện đã chuyển đổi một phần diện tích để trồng sầu riêng, bưởi, táo… Với diện tích đất còn lại, ông vẫn đang đắn đo chưa biết trồng cây gì nên phải để không.
Ông Hoành nói: “Gia đình đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua đất và đầu tư trụ, giống, phân để trồng hồ tiêu. Vừa rồi tiêu bị bệnh chết hàng loạt, chúng tôi định sẽ chuyển sang trồng sầu riêng và cà phê, song vì sợ dịch bệnh, khó kiếm đầu ra, vả lại giống sầu riêng tương đối đắt nên gia đình mới chỉ dám trồng vài trăm cây”.
Ông Nguyễn Công Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm thì trăn trở: “Địa phương rất khó định hướng cho người dân nên trồng thay thế loại cây gì thay những cây tiêu bị chết vì diễn biến giá cả, đầu ra thị trường nông sản không ổn định, lại thêm thời tiết phức tạp, sâu bệnh thường xuyên xảy ra… Hiện nay bà con vẫn chọn cây trồng tự phát, chạy theo phong trào là chính, còn chính quyền xã chỉ có thể đưa ra một số mô hình để bà con tham khảo và hỗ trợ khâu kỹ thuật giúp bà con…”.
Tương tự, tại 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê – nơi được ví là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, phóng viên ghi nhận nhiều diện tích tiêu đã được bà con thay thế dần sang cây ăn quả, nhiều nhất là cây bơ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: “Trước đây, gần 500 gốc bơ này là hơn 4.000 trụ tiêu nhưng do tiêu cứ lụi tàn, chết dần chết mòn nên tôi quyết định phá hết và chuyển hẳn qua trồng bơ. Sắp tới tôi sẽ trồng xen thêm sầu riêng và mở rộng diện tích bơ vì năm ngoái, bơ rất được giá, từ 30.000-40.000 đồng/kg”.
Theo thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh, hiện các diện tích chuyển đổi chủ yếu là do người dân trồng tự phát, sản phẩm thu hoạch bán cho các cơ sở thu mua tại địa phương, chợ lẻ. Theo tìm hiểu của phóng viên hiện giá bơ từ 12.000-15.000 đồng/kg, sầu riêng từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, xoài từ 5.000-10.000 đồng/kg...
Lo vì chạy theo phong trào
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khanh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pưh cho biết, trước tình trạng một số diện tích hồ tiêu bị chết trắng trụ, đất bị nhiễm bệnh không thể tái canh, phòng đã hướng người dân trồng xen cây ăn quả, cây ngắn ngày nhằm cải tạo đất và đem lại thu nhập cho người dân.
Mặc dù chưa có đầu ra ổn định và chưa được bất kỳ hợp tác xã hay công ty, doanh nghiệp nào ký kết bao tiêu sản phẩm, song theo khảo sát của phóng viên, ngày càng nhiều hộ dân đánh liều mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Ảnh: Trần Hiền
“Cụ thể, những diện tích hồ tiêu bị chết trắng sẽ được trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, lạc, ngô... để vừa có nguồn thu trước mắt cho bà con, vừa cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh trước khi trồng lại vườn tiêu mới. Còn những vườn tiêu bị chết một phần, chúng tôi hướng bà con trồng xen cây ăn quả. Bên cạnh đó, phòng đang thử nghiệm xem lượng nước tưới, nếu đủ điều kiện nước tưới sẽ chuyển một phần diện tích sang trồng cà phê, nếu ít nước thì trồng tiêu vì đây vẫn là 2 cây trồng chủ lực của huyện” – ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, trước mắt, việc chuyển đổi sang trồng xen cây ăn quả trên diện tích tiêu chết đã có những thành công bước đầu và vẫn đang nằm trong quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nông dân vẫn chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật thâm canh kết hợp, chủ yếu trồng tự phát...
“Chúng tôi đang mở các lớp tập huấn, chia sẻ, chuyển giao các mô hình hay đến bà con, đồng thời tìm kiếm các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm cho bà con, trong đó trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Tây Nguyên Doveco ở Gia Lai cũng đã đặt vấn đề thu mua một số sản phẩm...” - ông Khanh cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NNPTNT Chư Sê thì bày tỏ lo ngại: “Theo chúng tôi, với những diện tích tiêu chết, nếu bà con muốn trồng tiếp tiêu thì nên luân canh các cây trồng ngắn ngày để diệt mầm bệnh và cải tạo đất trước, sau đó thâm canh, xen canh các loại cây che bóng, tuyệt đối không trồng độc canh một loại cây, tránh tình trạng vỡ quy hoạch như hồ tiêu. Chúng tôi cũng đang trồng thí điểm cây sa chi (3ha), đã cung cấp giống cho bà con và hiện đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm”.