Không chỉ được chế biến thành món ăn với hương vị núi rừng khó quên, loại quả dài cả mét này còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh nên thời gian gần đây được nhiều người lùng mua với giá hàng trăm nghìn đồng/kg.
Từng là loại cây dại trên rừng được bà con đưa về trồng làm trụ tiêu hoặc hàng rào, tận dụng lá non và quả để làm bữa ăn hàng ngày, thời gian gần đây, quả núc nác không chỉ là món ăn yêu thích của đồng bào các dân tộc bản địa mà đã trở thành đặc sản của các nhà hàng, khách sạn, được nhiều thương lái săn lùng mang đi khắp nơi.
Quả núc nác rừng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng. |
Chuyên thu mua quả núc nác giao cho các nhà hàng trong tỉnh và các địa phương lân cận, chị Chu Thị Thắng (trú tại Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, núc nác là quả của một loại cây rừng cao hàng chục mét, trái dài và dẹp như trái phượng vĩ. Để có được vài chục kg núc nác giao cho khách, chị phải đặt đồng bào vào rừng hái với giá 20.000 đồng/kg.
“Quê tôi trẻ con thường trêu đùa nhau là quả núc nác dài như lưỡi ma, cùng để trừ tà bởi quả của nó có khi dài cả mét, muốn dùng phải nướng lên đen sì. Ngoài ra, mỗi khi ốm, bị ho hay bị mẩn ngứa, người lớn thường lấy hạt hoặc vỏ cây núc nác chế thành thuốc, uống là khỏi”, chị Thắng chia sẻ.
Chị Thắng khoe quả núc nác dài hàng mét mình vừa mua được. |
Theo chị Thắng, từ loại cây mọc hoang trên rừng, là món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc bản địa, nhận thấy được nhiều lợi ích từ cây núc nác, thời gian gần đây ngày càng nhiều khách hàng đặt mua loại quả này. Người dân trong vùng nhờ đó mà cũng kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể.
“Khi có khách đặt tôi lại nhắn các bác đi hái, có người hái một buổi sáng được cả triệu đồng bởi loại quả này to, nặng chừng 200gr/quả, có quả dài cả mét. Tôi mua về, lọc những quả bánh tẻ rồi giao cho các mối. Họ lấy về bán lẻ tại các chợ thị trấn hoặc trên chợ mạng với giá 10.000 đồng/quả hoặc lên đến hàng trăm nghìn đồng/kg”, chị Thắng cho hay.
Số núc nác hơn 50kg này được người dân hái trong 1 buổi sáng rồi mang đi bán. |
Anh Trần Văn Cường, trú tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil, Đắk Lắk) cho biết, cây núc nác rất dễ sống, thân nhẵn và ít phân cành nên trước đây, bà con đi rừng chặt ngang thân cây về trồng thành hàng rào phân chia ranh giới đất của mỗi nhà hoặc làm trụ tiêu sống.
Theo anh Cường, từ ngọn non cho tới hoa và quả của cây núc nác đều được tận dụng làm bữa ăn hàng ngày. Các món ăn làm từ quả núc nác không phải ai cũng ăn được, vì nó có vị hơi đắng và hăng nhưng nếu ăn quen thì lại thấy rất ngon. Ngọn non được luộc chấm cùng nước cốt chanh, quả núc nác “bánh tẻ” có thể chế biến làm món xào, luộc, nấu canh hoặc làm gỏi.
Núc nác được bà con nông dân dùng làm trụ tiêu, đến mùa hái quả thương lái mua tận vườn. |
“Ngon nhất vẫn là món gỏi núc nác, đầu tiên là nướng quả núc nác trên bếp lửa, cho cháy đen vỏ bề ngoài, sau đó dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy rồi rửa sạch, để ráo và cắt lát mỏng, thêm cá khô rang vàng, cá nướng hoặc thịt ba chỉ, vắt thêm chanh, lạc rang giã nhỏ, rau thơm, tía tô, trộn đều và để khoảng 5 phút là ăn được”, anh Cường cho hay.
Lương y Nguyễn Văn Sáu cho biết, trong đông y, núc nác được gọi Nam hoàng bá, là cây thường mọc hoang và được trồng ở các vườn thuốc Nam. Hoa quả thường thu hái vào mùa hạ, lá hái quanh năm. Lá non làm rau ăn, kho cá thịt hoặc luộc bỏ nước, ăn chấm với nước mắm, quả non vùi vào bếp tro nóng cho chín mềm, rồi bóc bỏ vỏ ngoài, thái mỏng xào với mỡ, thịt.
Ngoài làm nộm, xào, luộc, quả núc nác còn được đồng bào muối với cà dại ăn dần. |
Núc nác chứa nước, protein, glucid, caroten, vitamin C... Tài liệu gần đây cho biết, trong vỏ cây núc nác có một hỗn hợp flavonoid, hai chất chủ yếu là baicalein và oroxylin, tác dụng chống choáng phản vệ, chống viêm dị ứng rõ rệt. Núc nác còn được chế ra thuốc điều trị vẩy nến, hen phế quản trẻ em.
Theo y học cổ truyền, núc nác có vị đắng tính mát. Tác dụng mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt, tiêu viêm, chữa vàng da, viêm da, ngứa khô sần da, viêm họng, ho khản tiếng, đau dạ dày, trẻ con ban trái, sởi.... Tuy nhiên, núc nác tính hàn, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn tiêu lỏng hoặc người đang bị cảm lạnh ho, sổ mũi.
(Theo Dân Việt)