Không dễ lấy được hoa hồng của Temu
Ngày 22/10, Temu - sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã công bố mở cửa chương trình tiếp thị liên kết (affiliate ) tại thị trường Việt Nam, thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng nhờ mức trả thưởng hoa hồng rất cao khi đăng ký và giới thiệu tài khoản mới
Cụ thể, chỉ cần tải ứng dụng và đăng ký chương trình này, người dùng sẽ có ngay 50.000 đồng. Nếu giới thiệu một người dùng tải ứng dụng và tham gia chương trình tiếp thị liên kết, khách sẽ nhận được hoa hồng là 150.000 đồng.
Temu còn áp dụng mô hình tiếp thị “đa cấp” khi cho phép những người làm affiliate (tiếp thị) giới thiệu người khác tham gia để nhận thêm 20% hoa hồng từ thu nhập của những người mà họ giới thiệu.
Chính sách tiếp thị liên kết với mức hoa hồng cao đã khiến cho Temu nhận được sự chú ý. Trên Google, 669.000.000 kết quả (0,22 giây) tìm kiếm Temu hiện ra khi tìm kiếm. Trên mạng xã hội Facebook, các dòng sự kiện có liên quan đến "tiếp thị liên kết Temu ", "aff Temu " thu hút sự thảo luận của nhiều tài khoản.
Lê Hải Vũ, CEO của Velasboost, chia sẻ, chỉ trong 1 ngày tham gia thử Temu , ông đã nhận được hơn 300 triệu đồng tiền thưởng. Ông Vũ gọi đây là tiền “treo” bởi chưa thể rút tiền.
“Temu chạy chiến dịch tiếp thị liên kết, với mỗi lần giới thiệu có người cài đặt ứng dụng qua link của mình sẽ được tặng 150.000 đồng. Tuy nhiên để rút được 150.000 đồng này cũng không dễ, bởi sàn này đi kèm yêu cầu: Người tải ứng dụng phải có phát sinh mua hàng trong vòng 60 ngày thì lời giới thiệu này mới có giá trị. Như vậy thì 300 triệu này chưa chuyển thành tiền thật”, ông Vũ lý giải.
Theo đánh giá của CEO Velasboots, không thể kỳ vọng có thể lấy toàn bộ hoa hồng theo mức cao nhất, mà chỉ có thể được khoảng 10-15% số tiền trên đã là rất tốt. Tuy nhiên, việc rút tiền cần thực hiện nhiều thao tác, cũng sẽ không đơn giản lấy được tiền.
‘Cơn sốt” Temu là một lời cảnh báo cho các nhà bán hàng nội địa
Đánh giá về cơn sốt Temu , ông Hải Vũ nói thêm: “Nếu ai đã từng mua hàng từ các website Trung Quốc như taobao, 1688 thì ở Temu cũng có cách mua bán cũng tương tự, không có nhiều trở ngại. Tuy nhiên có 2 vấn đề mà người Việt chưa thích, đó là: Yêu cầu thanh toán trước qua thẻ và hệ thống ngôn ngữ trên ứng dụng chưa thân thiện với tiếng Việt”.
Theo nhận định của ông Vũ – một người có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử , Temu không phải là sân chơi của Seller Việt, vì hiện tại cơ chế của sàn đang là bán hàng từ Trung Quốc và của chính Temu hoặc nhà bán hàng Trung Quốc, ít có người bán nội địa. Việc sàn thương mại này vào Việt Nam nghĩa là chia lại thị trường và cạnh tranh trực tiếp, khác hoàn toàn Lazada, Tiktok, Shopee là nơi mà nhà bán hàng nội địa cũng như nhà bán hàng quốc tế cùng sân chơi.
“Việc làm affiliate (tiếp thị liên kết) với tôi chỉ là để thử cách Temu làm, xem họ dùng chiến lược ra sao. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn nếu muốn đi theo con đường làm tiếp thị liên kết thì ở bất cứ nền tảng nào cũng có thể làm được, miễn sao minh bạch, rõ ràng”, ông Vũ chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ, mặc dù còn nhiều vấn đề cần bàn đến như tính minh bạch, chất lượng sản phẩm nhưng rõ rang chương trình tiếp thị liên kết với tỷ lệ hoa hồng cao là chiến lược truyền thông cực kỳ khôn ngoan của Temu . Sự xuất hiện của Temu là một lời cảnh báo với nhà bán hàng trong nước, đây là một cuộc đối đầu trực tiếp với gã không lồ, chịu sức ép cạnh tranh mới, chứ không phải sân chơi mới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin về Temu
Liên quan đến thông tin sàn thương mại điện tử Temu tham gia vào thị trường Việt Nam gây xôn xao thời gian qua, Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu .
"Ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ: Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.