Trong văn bản của UBND TP.HCM vừa gửi tới Bộ Tài chính với nội dung góp ý dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước", UBND TP.HCM kiến nghị nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có điện thoại di động. Đề xuất này ngay lập tức nhận được phản ứng trái chiều, thậm chí đa số không đồng thuận.
Không đồng thuận là đúng. Bởi lẽ trong xã hội hiện nay, ai cũng thấy điện thoại di động là vật dụng thiết yếu với người dân. Ngay trong lý giải của UBND TP.HCM về cơ sở đề xuất này cũng thừa nhận điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc. Cho nên, nếu đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với diện thoại di động được áp dụng, chắc chắn giá điện thoại di động sẽ tăng.
Việc đánh thuế TTĐB đối với điện thoại di động có nguy cơ thêm rào cản thực hiện chủ trương đến năm 2020 hầu hết người dân Việt Nam sẽ sử dụng điện thoại thông minh.
|
Khi đó, cơ hội sử dụng điện thoại di động của người dân sẽ giảm đi. Và việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong thông tin liên lạc sẽ bị cản trở. Điều này đồng nghĩa sắc thuế này nếu được áp dụng sẽ trở thành một trong những rào cản sự phát triển xã hội.
Với lý giải việc đưa điện thoại di động vào diện chịu thuế TTĐB rằng, để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới, là không thuyết phục, phi logic kinh tế. Trước hết, không có căn cứ khoa học và thực tế nào chứng minh thuyết phục rằng việc áp thuế này có thể làm được việc “điều tiết” như cơ quan này nêu.
Hơn nữa, việc người dân cập nhật công nghệ, “lên đời” điện thoại ngày càng thông minh hơn, hiện đại hơn không phải chỉ là đáp ứng nhu cầu sở hữu tài sản cá nhân mà quan trọng hơn là ở mỗi sản phẩm đó sẽ có những ứng dụng tiện ích hiện đại hơn phục vụ hoạt động thông tin giao tiếp và cả giao dịch trên thị trường.
Một ví dụ đơn giản, Chính phủ và các ngành chức năng đang dùng nhiều giải pháp để kích thích tiêu dùng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt. Một trong những phương tiện quan trọng để hiện thực hóa chủ trương đó chính là sử dụng điện thoại di động thông minh. Vì thế mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các nhà bán lẻ… cũng đầu tư hạ tầng và dùng nhiều giải pháp ưu đãi để kích cả cung lẫn cầu trong giao dịch online, thanh toán không dùng tiền mặt.
Nên, với mục tiêu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động để tăng nguồn thu cho ngân sách thì TP.HCM có thể thu được cái lợi trước mắt và ít, trong khi đó cái hại lâu dài và nhiều hơn. Cái lợi tăng thu thì có thể có, nhưng chưa có gì để đảm bảo con số thực thu thuế TTĐB từ điện thoại di động sẽ góp sức làm tăng thu chung cho ngân sách Thành phố. Sắc thuế này có thể sẽ “đẩy” người dân đi ngược chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong khi đó, nếu thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy gia tăng được minh bạch hóa dòng tiền chi tiêu của người dân, kiểm soát được doanh thu của các cơ sở kinh doanh, từ đó có thể tăng nguồn thu thuế.
Và một lo ngại nữa, ở tầm vĩ mô, việc đánh thuế TTĐB đối với điện thoại di động có nguy cơ thêm rào cản thực hiện chủ trương đến năm 2020 hầu hết người dân Việt Nam sẽ sử dụng điện thoại thông minh.
Vậy thì, với đề xuất về sắc thuế này, không khéo thành ra “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa chủ trương và chính sách.
Cho nên, thay vì tìm cách đánh thuế, tăng thuế mặt hàng thiết yếu này, Thành phố hãy tìm cách quản lý thu thuế hiệu quả hơn, giảm thất thu, nợ thuế, đặc biệt là chống gian lận thuế, chống chuyển giá. Và rộng hơn nữa thì hãy đầu tư cho việc quy hoạch phát triển thành phố thông minh hơn, cải cách hành chính công hiệu quả hơn, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh… thì cùng với đó họ sẽ đóng thuế nhiều hơn và chắc chắn nguồn thu ngân sách sẽ tăng./.