Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nguồn thu chủ yếu từ đóng góp của các doanh nghiệp và người lao động. Quỹ có chức năng phát triển, mở rộng thì trường lao động ngoài nước và nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp, song các hoạt động này hầu như không có hiệu quả.
Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội cho hay, trong giai đoạn 2013-2018, số dư Quỹ từ đầu kỳ là 109 tỷ đồng và thu trong kỳ là 151 tỷ đồng. Thế nhưng, tổng chi trong cả giai đoạn là rất thấp, chỉ khoảng 62 tỷ đồng.
Đáng nói, hoạt động mở rộng và phát triển thị trường chủ yếu là tổ chức hội thảo và chi phí đoàn ra chỉ với tổng số tiền là 225 triệu đồng; chi hoạt động đào tạo gần 4 tỷ đồng; chi hỗ trợ rủi ro hơn 32,5 tỷ đồng.
Các loại quỹ ngoài ngân sách thành lập nhiều, hoạt động chưa hiệu quả.
Trong khi đó chi công tác tuyên truyền qua cơ quan báo chí là 13,1 tỷ đồng và chi cho công tác quản lý là 13 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% tổng chi).
Quỹ Phòng chống chống thiên tai
Qua giám sát cho thấy, Quỹ này có nguồn thu từ tiền đóng góp bắt buộc hàng năm của các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, doanh nghiệp (tính theo tỷ lệ tài sản) và cá nhân (1 ngày công đối với người lao động và 15.000 đồng đối với đối tượng khác) nhằm chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, các quy định về nội dung chi của Quỹ trùng với nội dung chi từ dự phòng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc quy định đóng góp bắt buộc của Quỹ chưa được sự đồng tình từ các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nước ngoài) và nhân dân ở rất nhiều địa phương. Có địa phương đã tạm dừng khoản thu này, khiến tỷ lệ thu thực tế của các địa phương khá thấp so với kế hoạch.
Ngoài ra, tỷ lệ và mức thu cố định dẫn đến tình trạng các địa phương có quy mô dân số lớn số thu rất lớn, trong khi các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, thường xuyên gặp thiên tai thì số thu hàng năm rất thấp. Trong khi quy định về mức chi đối với Quỹ thấp (dưới 1 tỷ đồng), dẫn đến rất nhiều địa phương có số dư Quỹ khá lớn.
Do đó, Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ và điều chỉnh cơ chế thu, chi bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh chồng chéo với nhiệm vụ chi từ nguồn dự phòng ngân sách hằng năm của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá
Qua giám sát cho thấy, nguồn thu của Quỹ chủ yếu từ đóng góp bắt buộc theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Đây là một khoản thu có tính chất trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên doanh thu hàng hóa, dịch vụ.
Trong khi, hầu hết các nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN, có 8 trong số 9 nhiệm vụ chi của Quỹ có thể giao cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế thực hiện, như công tác truyền thông, xây dựng mô hình điểm, tổ chức cai nghiện, nghiên cứu tác hại thuốc lá,...
Mặt khác, qua giám sát, hoạt động của Quỹ chưa đánh giá được hiệu quả, dư nguồn lớn gây lãng phí nguồn lực xã hội, chưa thu hút được sự đóng góp của các tổ chức quốc tế như mục tiêu đề ra.
Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả và sự cần thiết phải tồn tại Quỹ.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, số tiền trích Quỹ được để lại tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu |
Thực tế hiện nay cho thấy, cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường). Trong khi các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm).
Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến sự phản ứng của người dân. Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp.
Do đó, Chính phủ cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ và tiến hành sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến phương pháp tính giá cơ sở và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch.
Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương
Từ năm ngân sách 2017, số thu, chi của Quỹ đã được tổng hợp vào trong cân đối NSNN ; hằng năm, Quỹ được ngân sách nhà nước cấp bổ sung phần chênh lệch giữa nhiệm vụ chi và nguồn thu (cả giai đoạn ngân sách nhà nước cấp bổ sung 18.020 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 3.700 tỷ đồng, năm 2018 là 3.800 tỷ đồng). Ngoài khoản thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (là nguồn thu NSNN theo quy định của Luật phí, lệ phí) và khoản thu từ NSNN bổ sung hằng năm, Quỹ bảo trì đường bộ không còn nguồn thu nào khác.
Mặt khác, hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương theo phương thức kiêm nhiệm, trong khi Văn phòng Quỹ không có đủ năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ, nên phải sử dụng các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải để thực hiện các công việc chuyên môn của Quỹ.
Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS
Quy mô Quỹ nhỏ, việc huy động nguồn lực tài chính hoạt động hạn chế, hoạt động của Quỹ là không đáng kể. Mặt khác, người bị nhiễm HIV/AIDS đã được hỗ trợ thông qua chương trình Bảo hiểm y tế. Trong giai đoạn 2013-2018, tổng số tiền thu được bổ sung vào Quỹ chỉ đạt 1,5 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức cá nhân (năm 2017 không có nguồn thu), dự kiến năm 2019 và 2020 Quỹ chỉ thu được 20 triệu đồng/năm.
Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam
Nhiệm vụ chi của Quỹ chủ yếu là cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; hỗ trợ giá điện gió đối với các dự án điện gió,…
Quỹ có nguồn thu lệ phí bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính; tuy nhiên, theo quy định của Luật phí, lệ phí thì đây là khoản thu của ngân sách nhà nước. Đồng thời, hằng năm NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường bổ sung cho Quỹ để chi các nhiệm vụ trợ giá điện gió, hỗ trợ cho các chương trình, dự án, các hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường là không phù hợp với quy định của Luật NSNN năm 2015.
Loạt quỹ ở địa phương chưa hiệu quả
Một số Quỹ tài chính khác ở địa phương, như: Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ hỗ trợ phát triển đất; Quỹ bảo lãnh tín dụng,...
Các Quỹ này đều có mục tiêu chung phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế của địa phương. Việc thành lập nhiều Quỹ, dẫn đến một số trường hợp chồng chéo chức năng, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng phục vụ, phân tán nguồn lực, hạn chế phát huy hiệu quả sử dụng.