“Phải lòng” hương thơm, “sắc đẹp” của những nhánh lan rừng, anh Nguyễn Ngọc Thịnh (thôn 4, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) dày công tìm hiểu, bắt tay vào làm giá thể, trồng, nhân giống, phục vụ việc chăm sóc, bảo tồn những giống lan rừng quý.
Công việc trên vừa giúp anh thỏa đam mê, đồng thời mang về cho anh nguồn thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày này, vườn lan rộng hơn 1.000m2 được chăm chút cẩn thận của anh Thịnh thơm nức mùi lan hoàng nhạn tháng 8. Ngoài giống lan này, anh Thịnh còn sở hữu khoảng 5.000 giò lan quý với hơn 100 chủng loại.
Anh Thịnh cho biết, từ khi 15 tuổi, trong những lần theo chân ba mẹ đi làm trên rừng, trên rẫy, anh đã “phải lòng” hương thơm, “sắc đẹp” của những nhánh lan rừng. Mê lan, anh bắt đầu chăm chút những nhành lan của ba và để ý sưu tầm lan trong những lần lên rẫy. Sau này, ngoài những nhánh lan lấy được trên rừng, anh bắt đầu đi chợ “săn” thêm lan về trồng.
“Lúc đó mình phát hiện ở Kon Tum mình nhiều lan rừng, người đam mê lan cũng không ít, nhưng lại không có ai bán giá thể trồng lan. Thấy vậy, mình lóe lên ý định sẽ khởi nghiệp từ việc làm giá thể trồng lan” – anh Thịnh bộc bạch.
Việc bán giá thể và lan rừng mang lại cho anh Thịnh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: BA |
Nghĩ là làm, anh Thịnh bắt đầu lên mạng, đi thực tế tìm tòi, nghiên cứu về đặc tính của từng loại lan rồi học cách làm giá thể từ gỗ nhãn, lũa, vú sữa, vải, thông, xơ dừa, vỏ đậu phộng… Vừa học, anh vừa sáng tạo, thử nghiệm, sử dụng để tìm ra loại giá thể phù hợp nhất với từng loại lan.
Mới đầu còn bỡ ngỡ, anh chỉ làm để phục vụ đam mê của bản thân, về sau, anh bắt đầu cung cấp ra thị trường. “Khoảng 4 năm trở lại đây, ngoài việc bán tại nhà, tôi còn bán online qua kênh facebook. Mỗi ngày tôi cung cấp ra thị trường khoảng 70 giá thể. Mỗi giá thể có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn, tùy loại” – anh Thịnh cho biết.
Không chỉ cung cấp cho những người chơi lan trong tỉnh, anh Thịnh còn bỏ sỉ, bỏ lẻ đến hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước; trong đó chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Thị trường giá thể lớn, một mình làm không xuể, anh thuê thêm 4 nhân công làm quanh năm suốt tháng (mỗi nhân công được trả lương 4 - 5 triệu/tháng) để đảm bảo nguồn cung cũng như đáp ứng yêu cầu đa dạng mẫu mã, chủng loại.
Công việc vừa giúp anh thỏa đam mê, vừa đem lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: BA |
Ngoài việc làm giá thể, anh Thịnh còn mua, sưu tầm nhiều loại lan quý, đồng thời học cách ghép, tách nhánh, gieo hạt… để nhân giống lan rừng. Anh nói, lan quý ngày càng hiếm nên anh muốn nhân giống để bảo vệ, bảo tồn. Anh phải học hỏi, tìm tòi rất nhiều mới làm được. Đến nay, anh nhân được nhiều giống lan rừng, trong đó chủ yếu là giã hạc các loại.
Anh cho biết, hàng năm, việc bán giá thể và lan rừng mang lại cho anh thu nhập hàng tỷ đồng. Và hiện tại anh đang chuẩn bị khoảng 400 giò lan rừng với nhiều chủng loại khác nhau để phục vụ thị trường Tết năm nay.
Mặc dù việc sản xuất giá thể, bán lan rừng đem lại thu nhập cao nhưng mục tiêu của anh Thịnh là hướng đến phát triển du lịch vườn. “Tôi sẽ nhân giống, sưu tầm thêm nhiều loại lan quý, đồng thời cải tạo vườn thật đẹp để phục vụ đam mê của bản thân và những người yêu lan. Khách du lịch khi đến đây sẵn sàng được tham quan vườn lan thỏa thích, tôi sẽ hướng dẫn cách ươm lan, ghép giá thể và chọn cho họ những giò lan ưng ý” - anh Thịnh chia sẻ.
(Theo Báo Kon Tum)