Vụ việc của Con cưng được đặt ra trong Hội nghị chiều nay. Trả lời phóng viên về vụ việc, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh lực lượng quản lý thị trường luôn luôn quyết liệt trong xử lý vi phạm.
Còn đối với việc doanh nghiệp tuyên bố treo thưởng 1 tỷ đồng, đó là quyền của doanh nghiệp, theo ông Hải.
"Lực lượng quản lý nên tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình", ông Hải nói và cho biết nếu phát hiện sai phạm, việc xử phạt sẽ diễn ra nghiêm minh, đúng tinh thần của pháp luật. Dù vậy, ông bày tỏ "không mong doanh nghiệp vi phạm để bị xử lý".
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nói rằng "đã hết sức cố gắng nhưng còn hạn chế" khi trả lời về các vụ việc như Mumuso, Con Cưng, Khaisilk đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo ông, điều quan trọng là phải lập lại trật tự quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, chứ không phải bắt hay xử lý từng vụ việc đơn lẻ.
"Trước tình trạng hàng giả tràn lan, chúng tôi tham mưu lãnh đạo Bộ và trực tiếp Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thành lâp tổ công tác 334 xử lý", ông nói.
Vị Phó Cục trưởng này cũng nhấn mạnh: "Phải hành động luôn chứ văn bản, thông tư, nghị định quá nhiều". Theo đó, phía Quản lý thị trường sẽ dứt khoát theo đến cùng các vụ việc mà đã phát hiện đầy đủ dấu hiệu hình sự. "Không khởi tố truy tố thì trật tự quản lý nhà nước ở đâu", ông nói.
Bên cạnh đó, về giải pháp, ông Hùng cho biết với kinh nghiệm của Cục Quản lý thị trường, để tránh xử phạt hành chính trong phát hiện hàng giả thì cứ là hàng giả mà ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng thì phải hình sự, khởi tố trước pháp luật.
"Ngay chiều qua tôi đã kí văn bản xử lý ngay 3 vụ việc nhức nhối cả nước về giả mạo nguồn gốc xuất xứ ở 3 vùng trọng điểm cả nước", ông Hùng nói.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an để điều tra các ổ nhóm, thủ đoạn hàng giả. Chống buôn lậu thì chủ công là hải quan và biên phòng, ở cửa khẩu chính ngạch, nhập khẩu thì hải quan chịu trách nhiệm, còn đối với đường mòn lối mở thì là lực lượng biên phòng.