Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là vừa sức
Ông Trần Quốc Khánh cho biết, số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm đã nhiều hơn so với dự kiến ban đầu. Thay vì con số 675, Bộ Công thương lúc đầu chỉ đặt ra mức 610 - 615 điều kiện kinh doanh. Để làm được công việc này, Bộ đã thành lập tổ rà soát gấp rút hệ thống hóa, rà soát từng điều kiện kinh doanh, sau đó đề xuất, thảo luận và báo cáo Bộ trưởng.
“Bao giờ cắt giảm cũng là điều quan trọng, nhưng việc cắt giảm cần tuân theo quy trình. Những điều kiện kinh doanh này được quy định trong các nghị định. Do điều kiện kinh doanh liên quan đến 16 ngành, nên nếu sửa ít nhất 16 Nghị định thì rất rất lâu. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sử dụng 1 Nghị định để sửa 16 Nghị định. Ngày 10/11 Thủ tướng đã cho phép dùng 1 Nghị định sửa 16 Nghị định,... Hiện chúng tôi đã gửi dự thảo Nghị định sang Bộ tư pháp và chờ góp ý. Bộ Công thương sẽ cố gắng trình Chính phủ ngay trong ngày 30/11” – ông Trần Quốc Khánh nói.
Việc đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thể hiện tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công thương sẽ chỉ ban hành hệ thống tiêu chuẩn. Người dân, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những tiêu chuẩn này để thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Cách làm này cũng giảm được chi phí tuân thủ quy định xuống mức thấp nhất có thể.
“Không một chính quyền địa phương nào có thể ban hành cái đã được xóa bỏ. Thứ hai, tiêu chuẩn do các cơ quan nhà nước ban hành công khai minh bạch, đã được lượng hóa và người dân có thể tự kiểm tra. Do đó không thể có chuyện một công chức ở địa phương có thể đến bẻ hành, bẻ tỏi doanh nghiệp” - Thứ trưởng Bộ Công thương cam kết.
Theo ông Trần Quốc Khánh, con số 675 điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm là vừa sức với chính quyền địa phương. Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm khiến các cấp cơ sở phải tăng cường kiểm tra. Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, Bộ Công thương đã tính tới năng lực của công chức ở địa phương.
Dư luận cũng đóng vai trò quan trọng
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dư luận cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện nay. Trong giai đoạn 2000 – 2001, Bộ Giao thông vận tải đã từng cắt giảm gần hết các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó Bộ này đã phải khôi phục lại tất cả và còn tạo thêm nhiều điều kiện mới.
“Khi bỏ các điều kiện kinh doanh, xu hướng thay đổi thì một số người mất quyền, mất lợi. Thông thường họ sẽ phản ứng chống lại và xảy ra thất bại hoặc cố tình gây ra thất bại để đổ lỗi cho sự thay đổi. Một vài sự việc xảy ra và dư luận, báo chí lại đặt câu hỏi cho cơ quan quản lý, quy kết rằng thiếu nhiều quy định quản lý. Và như thế xu hướng ban hành điều kiện kinh doanh trở lại” – ông Nguyễn Đình Cung nói.
“Muốn giảm việc công chức gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp cần thay đổi đạo đức công vụ, thái độ, cách thức làm việc. Làm sao để công chức coi doanh nghiệp là đối tác thay vì đối tượng quản lý. Doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ những vấn đề liên quan đối với cơ quan nhà nước trên tinh thần đối tác cùng phát triển. Tất nhiên điều này không dễ và cần thời gian” – ông Cung nhận định.
Viện trưởng CIEM đánh giá, đà cắt giảm điều kiện kinh doanh đang lớn. Nếu ngay trong tháng 11/2017 Bộ Công thương trình dự thảo Nghị định lên Chính phủ thì nhiều bộ ngành khác cũng phải tăng tốc. Và như thế, mục tiêu giảm ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành sẽ sớm đạt được. Đây là sự thay đổi rất lớn, nhiều bộ cùng làm sẽ tạo thành bước đột phá. Làm từ từ nhưng dứt khoát sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Ông Trần Quốc Khánh cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đã được Bộ Công thương triển khai ngay từ tháng 7/2016 với việc chủ động xóa bỏ 3 điều kiện kinh doanh. Sau đó 5 tháng (12/2016) Bộ đã họp và đưa ra đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được bắt đầu từ nhiệm đầu nhiệm kỳ và tương lai chúng tôi sẽ không mâu thuẫn với chính mình. Thêm vào đó, chúng tôi đã đặt ra 5 nguyên tắc trong đó có việc tuân thủ theo Điều 7 Luật Đầu tư. Đấy là điều sẽ cản trở các điều kiện kinh danh được tái lập” – Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.