Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương tại diễn đàn “Dự báo Kinh tế Việt Nam 2022 – 2023” với chủ đề "Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" khai mạc sáng nay tại Hà Nội.
Diễn đàn “Dự báo Kinh tế Việt Nam 2022 – 2023”
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Bốn tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.
Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý 4/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: “Quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam”,
Bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, trong bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế có biến động lớn. Trên trường quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại…
Tại khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, là mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.
Đối với kinh tế Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ông Phương cho biết, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan. Như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…
Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam, nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện doanh nghiệp tiếp tục thảo luận, dự báo bức tranh kinh tế vĩ mô giai đoạn 2022 – 2023 và triển vọng các ngành kinh tế chính, trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang có những biến động lớn.