Sáng nay (3/11), Bộ KHĐT đã tổ chức Hội thảo Chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên tắc, luật hoá chủ trương, kế hoạch phát triển... tại đặc khu kinh tế. “Trong khoảng 2 năm vừa rồi, có rất nhiều hội thảo xoay xung quanh các vấn đề này”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo ông, yêu cầu đặt ra cho dự thảo Luật là phải vượt trội, không chỉ đối với trong nước mà còn so với quốc tế nhằm có tính cạnh tranh, đột phá khi đặt cạnh những đặc khu kinh tế khác.
Dù vậy, Thứ trưởng cũng thừa nhận nói là một chuyện, còn đi vào cụ thể thì không hề đơn giản. Nhìn thẳng, ông cho rằng chúng ta mới chỉ đưa ra được chính sách nổi trội hơn so với các vùng nhưng chưa so được với quốc tế.
Ông Trung cũng nhấn mạnh việc đưa ra dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt lúc này đã là muộn so với các nước. Các quốc gia, theo ông, phát triển hơn kém nhau chính là ở thể chế, do đó, ông mong muốn dự Luật lần này có thể làm nên chuyện và sớm đi vào thực tiễn.
Bởi, như ông bình luận thì: “Người ta đã đi những bước dài. Còn GDP Việt Nam thì giờ mới chỉ nhỉnh hơn Samsung một chút và cũng chỉ bằng một tỉnh trung bình ở Nhật Bản”.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KHĐT cho biết, dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm 6 chương với 104 điều. Đây là khung pháp lý quan trọng đối, làm nền tảng cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Những chính sách được đưa vào trong Luật tập trung xây dựng môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi thông qua việc mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác. Đặc khu sẽ đảm bảo cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư trong các ngành nghề cần thu hút.
Dự thảo Luật cũng đề xuất các quy định đổi mới và đơn giản hoá trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, như: thủ tục đăng ký đầu tư kinh doanh đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài…
Một số ưu thế vượt trội khác cũng được ông Đông nêu ra như việc có thể thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, cho phép giải quyết các vấn đề phát sinh tại toà án nước ngoài; giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Mặt khác, bộ máy quản lý của các đặc khu hành chính cũng có nhiều đột phá, trong đó không dựa vào trách nhiệm tập thể mà giao trách nhiệm cá nhân. Công tác tư pháp cũng hoàn toàn mới, theo ông Đông, toà án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền như cấp tỉnh, có thể giải quyết tại chỗ nhiều vấn đề phát sinh.
Thuận lợi tiếp cận đất đai đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng là điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật được đưa ra lần này. Hạn sử dụng đất, theo dự thảo Luật là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà chiến lược...
Tuy nhiên, theo bình luận của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM thì “cảm tưởng chúng ta đang ôm đồm chính sách, chưa rõ được đặc khu là nơi kiếm tiền hay thủ nghiệm các thể chế”.
TS Thành cho rằng xây dựng cơ chế cho Đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế.
Bởi mô hình đặc khu kinh tế hiện nay không còn mới trên thế giới, có thể nó mới đối với Việt Nam nhưng các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Lấy ví dụ, ông Thành dẫn việc Trung Quốc xây dựng Đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công nhưng hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục xây thêm nhiều đặc khu con trong các đặc khu, để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.
“Chính sách về đặc khu, các nước đã phát triển mô hình này trong nhiều năm vẫn đang thí điểm nhiều cơ chế mới nên chúng ta không thể né được các cơ chế mở. Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được”, ông Thành nói.
Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội khoá XIV, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.