Nâng tuổi nghỉ hưu là xu hướng không thể cưỡng lại
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, già hóa dân số đang là một vấn đề của thế giới. Ngoại trừ châu Phi có dân số tương đối trẻ, các châu lục khác đều có tỷ trọng người già trong cơ cấu dân số lớn
"Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai, các nước đều điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Đấy cũng là lý do quan trọng nhất mà Việt Nam phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, chứ không phải lý do mất cân đối quỹ BHXH quá nhiều" – ông Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, các nước chung quanh Việt Nam cũng đang tiến hành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Cụ thể
Indonesia quy định tuổi nghỉ hưu trung bình là 55, công chức là 58 tuổi đối với cả nam và nữ. Nước này đã có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi.
Malaysia quy định tuổi nghỉ hưu của cả hai giới là 60 và cũng đã có lộ trình nâng lên 65 tuổi.
Hàn Quốc quy định tuổi nghỉ hưu là 62, trong tương lai sẽ nâng lên 65 tuổi.
Tại Ngân hàng Thế giới (WB), tuổi nghỉ hưu của cả nhân viên nam và nữ là 67 tuổi.
Số liệu của Bộ LĐTBXH chỉ ra rằng, năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động gấp 3,4 lần số người ra khỏi độ tuổi lao động. Năm 2017, số người bước vào tuổi lao động gấp 1,4 lần số người ra khỏi độ tuổi lao động. Dự báo đến năm 2035, số người bước vào tuổi lao động sẽ gấp 1,2 lần số người ra khỏi độ tuổi lao động. Như vậy, số người bổ sung vào lực lượng lao động này càng giảm, số người gia nhập nhóm hưu trí ngày càng tăng. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, lực lượng lao động sẽ thiếu hụt.
"Tại Bộ LĐTBXH, chúng tôi phải tiếp các đoàn Nghị sỹ Quốc hội, văn phòng Nội các, Thứ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Nhật Bản đang mong muốn Việt Nam triển khai chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản để làm công việc chăm sóc người già tại các trung tâm dưỡng lão và bệnh viện. Tỷ lệ người già ở Nhật Bản quá cao trong khi nhu cầu chăm sóc lớn, Nhật Bản đã không có đủ người để làm việc này. Nhiều vị Thị trưởng tại Nhật Bản nói với tôi rằng, có những thị trấn, thị xã đã "phá sản". Không phải phá sản vì không có đơn hàng mà vì không có người lao động và không đủ người lao động để đáp ứng các đơn hàng đó" – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nói.
Hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Trước đây, phương án thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là mỗi năm nâng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Tuy nhiên, khoảng thời gian 20 năm để nâng tuổi nghỉ hưu đối với nữ từ 55 lên 60 được nhiều ý kiến cho là quá lâu.
"Vì thế, có đề nghị rằng, từ năm 2021, mỗi năm nâng thêm 3 tháng đối với nam và nâng thêm 6 tháng đối với nữ. Nhưng các phương án đều phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. "Dục tốc bất đạt", nhanh quá có thể gây sốc cho người lao động. Các phương án chỉ mới là sự phác thảo. Khi trình lên Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ thẩm tra lại các phương án, các biểu Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về vấn đề này" – ông Doãn Mậu Diệp nói.
Hiện tại, có hai phương án đang được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đang được cân nhắc, đề xuất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động:
Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.
Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.
Dự kiến, Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019, nhằm thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngay từ năm 2021.
"Tất nhiên, chúng ta cũng phải tính thêm nhiều yếu tố khác, như: quy mô, cơ cấu, chất lượng, tình hình việc làm, tình hình thất nghiệp, cấu trúc của nền kinh tế,… Nhưng quan trọng nhất vẫn là ứng phó với xu thế chung của cả thế giới hiện nay – già hóa dân số. Không có ai được lợi riêng lẻ xung quanh việc nâng tuổi nghỉ hưu cả, mà cả đất nước này được lợi và cả đất nước này phải xúm lại để giải bài toán đó. Kinh nghiệm của các nước là nếu xử lý sớm thì việc điều chỉnh sẽ từ từ, không gây sốc. Điều chỉnh muộn thì phải tăng tuổi nghỉ hưu rất là nhanh và như thế sẽ tạo ra cú sốc trên thị trường lao động" – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định.