Chiều 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có buổi tiếp ông Tabata Hiroaki, Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhằm trao đổi về tình hình triển khai đưa người lao động và thực tập sinh Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, phía Việt Nam và phía Nhật Bản đều thừa nhận rằng, công việc thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng không hấp dẫn người lao động.
Ông Tabata Hiroaki và ông Doãn Mậu Diệp
"Công việc làm trong các trại dưỡng lão, các bệnh viện không hẳn là sạch sẽ, vì thế, nguy cơ các thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng chấm dứt hợp đồng rất cao. Nhật Bản cũng quy định trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm phải có trình độ N3, như vậy nguy cơ bị trả về là rất lớn. Vì những lý do này, chương trình thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng, không thể triển khai ở mức độ lớn" - ông Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Về phía Nhật Bản, ông Tabata Hiroaki khẳng định, nghề hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản có những đặc thù. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và yêu cầu cao về ngôn ngữ để phục vụ nhu cầu giao tiếp giữa hộ lý, điều dưỡng viên và người được chăm sóc. Thứ trưởng Nhật Bản mong muốn những người trẻ Việt Nam tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề nếu đã yêu nghề hộ lý, điều dưỡng và có quyết tâm theo đuổi con đường này
Việc triển khai các khóa đào tạo thực tập sinh hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam sang Nhật Bản làm việc là một nội dung trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Đến nay, Việt Nam đã tổ chức 6 khóa đào tạo, với số lượng xuất cảnh sang Nhật Bản là 892 người. Các hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao. Tỷ lệ ứng viên Việt Nam thi đỗ chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực điều dưỡng của Nhật Bản đạt trên 80% - 90% trong nhiều năm, cao hơn Philippines và Indonesia (chỉ 30% - 40% thi đỗ).
Hiện tại, có khoảng 126 nghìn người Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, bao gồm tất cả các ngành nghề. Số lượng thực tập sinh phái cử hàng năm và tổng số thực tập sinh của Việt Nam là cao nhất trong 15 quốc gia phái cử người sang Nhật Bản.
Mặc dù vậy, tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của thực tập sinh Việt Nam đang là vấn đề được chính phủ hai nước quan tâm. Thậm chí, tỷ lệ tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam còn đứng cao nhất trong các nước phát cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Tại Nhật Bản, tồn tại nhiều cơ sở tiếp nhận, đội ngũ môi giới lao động bất hợp pháp. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đã thực hiện việc phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản nhưng không thực hiện việc đăng ký hợp đồng theo quy định.
Tại buổi tiếp, ông Doãn Mậu Diệp đề nghị phía Nhật Bản tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức môi giới việc làm và sử dụng lao động bất hợp pháp. Đồng thời, Nhật Bản cần có sự điều chỉnh chính sách như: Tiếp nhận lại hoặc chuyển sang chế độ lao động cho những thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng; có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động; miễn giảm thuế thu nhập và thuế cư trú cho thực tập sinh như đang thực hiện với thực tập sinh Trung Quốc và Thái Lan,…
Ghi nhận những ý kiến của phía Việt Nam, ông Tabata Hiroaki khẳng định, thực tập sinh nước ngoài có đủ các điều kiện sẽ được kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm. Luật Lao động mới của Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11/2017. Trong đó có ghi rõ cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ hơn đối với cả doanh nghiệp tiếp nhận và cả thực tập sinh. Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý lao động nước ngoài sẽ được thành lập mới, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, cải thiện tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, người lao động nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản muốn có thêm những cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản, để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay.