Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, văn hóa ứng xử, cơ cấu lại cán bộ, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ,... đều là những kiến nghị hết sức đúng của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đang cải thiện tình hình. Bộ Tài chính hiểu rằng, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào kết quả thực hiện. Tất cả các kiến nghị đưa ra tại Hội thảo này đều được ghi nhận và sẽ có những giải pháp cho vấn đề.
“Nhưng có những vấn đề đã hướng dẫn, đã tháo gỡ nhưng nội dung đó chưa đến được với doanh nghiệp khiến doanh nghiệp vẫn hỏi, vẫn chưa biết để thực hiện” – Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu ý kiến.
Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy, những ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp đều được đại diện ngành Thuế và Hải quan trả lời nhanh chóng. Sau mỗi 5 ý kiến của phía doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và giải thích thêm để người hỏi hiểu rõ. Một số trường hợp doanh nghiệp có cách hiểu chưa đúng về quy định, một số văn bản đã được ban hành nhưng doanh nghiệp chưa biết. Bên cạnh đó, một số văn bản đang trong quá trình sửa đổi và Bộ Tài chính mong muốn nhận được ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi.
Bà Vũ Thị Mai cho rằng, công tác tuyên truyền đã được làm mạnh. Tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan có phòng tuyên truyền hỗ trợ, ở chi cục cũng có đội tuyên truyền hỗ trỡ người nộp thuế. Dù vậy Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, công tác tuyên truyền của ngành thuế và hải quan cần phải cập nhật theo xu hướng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Với nhiều hình thức, người dân, doanh nghiệp có thể nắm bắt quy định về thuế và hải quan để thực hiện tốt hơn.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc quy định và hướng dẫn nằm ở nhiều nghị định, thông tư, trong các năm nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng luật thuế. Trong khi đó, quá trình thanh kiểm tra của cơ quan chức năng diễn ra chậm cũng khiến doanh nghiệp gặp khó.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, đa số các doanh nghiệp đều cảm nhận được sự đổi mới, vươn lên, sự nỗ lực và quyết tâm cải cách của Bộ Tài chính, cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Những nỗ lực đó thể hiện thông qua việc triển khai kê khai thuế điện tử, hoàn thuế điện tử và nhiều thủ tục khác. Hội Tư vấn Thuế là đơn vị luôn đồng hành và gắn bó với doanh nghiệp với nhiều chương trình, khóa học cập nhật kiến thức về thuế.
“Nỗ lực của Bộ Tài chính cũng được thể hiện qua đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt được 81 bậc. Như vậy, chúng ta được cả công đồng doanh nghiệp và Ngân hàng Thế giới ghi nhận. Tôi nhớ, trước đây Thủ tướng nói rằng Việt Nam còn sau cả CLM (Campuchia, Lào, Myanmar). Bây giờ chúng ta đã đứng trên thứ hạng đó rồi. Chúng tôi thấy đây là sự nỗ lực, những nỗ lực đáng ghi nhận” – bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, hoạt động của Bộ cũng như ngành thuế, hải quan luôn theo nguyên tắc “tuân thủ tự nguyện”. Doanh nghiệp cần nắm bắt được chính sách và tự nguyện thực hiện. Những doanh nghiệp không tự nguyện tuân thủ sẽ bị xử lý để bảo đảm công bằng.
"Bộ Tài chính muốn doanh nghiệp hiểu chính sách, nắm bắt được chính sách và tự nguyện tuân thủ. Đối với doanh nghiệp không tuân thủ tự nguyện thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, để bảo đảm công bằng cho những doanh nghiệp tuân thủ tốt. Chúng tôi có phương châm hoạt động và luôn luôn tuân theo nguyên tắc “tuân thủ tự nguyện”. Điều đó cũng được thể hiện trong luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn” – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.