Tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" được diễn ra ngày 24/8/2021 với sự tham gia của 4 diễn giả bàn về việc công nghệ làm được và chưa làm được gì trong việc kết nối thông tin.
Chuyển đối số sinh ra để giải quyết các “nỗi đau” của xã hội
Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều ứng dụng của công nghệ vào nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế lại càng được chú trọng.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát biểu: “Thật ra công nghệ đã và đang giải quyết bài toán kết nối từ khi Covid-19 khởi phát ở Việt Nam đầu năm 2020. Công nghệ đã góp phần quan trọng trong nhiều khâu, đầu tiên là bệnh viện tuyến trên với các tuyến dưới để tư vấn từ xa.”
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, công nghệ không chỉ giúp các bệnh nhân kết nối với nhau, mà còn là bác sĩ với người cần tư vấn, người khó khăn và người có khả năng giúp đỡ. Ông Dũng cho biết, trong thời điểm chống dịch căng thẳng như hiện nay, nhờ có công nghệ mà đã có 2000 điểm kết nối, 100% bệnh viện tuyến trung ương kết nối với tuyến huyện nhằm nâng cao hiệu quả chống dịch.
Ngoài ra, với sự xuất hiện của các ứng dụng hỗ trợ nhu yếu phẩm như SOSmap, Zalo Connect hay Giúp tôi! cũng nhận được nhiều sự hưởng ứng. Đánh giá về hiệu quả của nền tảng Giúp tôi!, ông Vòng Thanh Cường - CEO Kompa Group cho biết trong 2 tuần qua, có hơn 5000 người được kết nối với chuyên gia. Hơn thế nữa, nền tảng cũng được hơn 10.000 y bác sĩ có chuyên môn tham gia giúp phục vụ nhu cầu tư vấn của người dân, cả về bệnh liên quan đến Covid-19 hay sức khỏe tâm lý.
Sự lo ngại “rò rỉ” thông tin cá nhân
Với sự áp dụng diện rộng công nghệ vào các mặt của lĩnh vực y tế, vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân người dùng cũng được nhiều người quan tâm. Tính đến tháng 7/2021, ứng dụng truy vết Bluezone đã cán mốc hơn 40 triệu lượt tải về, kéo theo một lượng thông tin lớn cần được quan tâm trong vấn đề bảo mật.
Ông Vòng Thanh Cường, CEO của Kompa Group
Trả lời vấn đề bảo mật thông tin, ông Vòng Thanh Cường đề xuất nên có một đơn vị đứng ra chủ trì để làm theo pháp lý vì hiện tại Việt Nam có nhiều nghị định pháp lý. Theo ông, cũng cần có một bên đứng ra để để liên thông dữ liệu, mã hóa toàn bộ thông tin, đảm bảo trong quá trình lưu thông không có ai có thể thu thập, đăng nhập. Cuối cùng, Việt Nam cũng cần có một cách tổ chức tốt để xem dữ liệu nào là quan trọng, dữ liệu nào là cần lưu thông.
Các biện pháp bảo mật thông tin hiện tại
Về các giải pháp bảo mật thông tin hiện tại, ông Dũng phát biểu “Về câu chuyện bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Đây là câu chuyện mà 5 năm qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam ý thức rất rõ. Các anh có thể thấy trong luật an toàn thông tin mạng năm 2015, lần đầu tiên dành riêng 1 mục có 5-6 điều quy định bảo vệ thông tin cá nhân. Lần đầu tiên Thông tin cá nhân đã được định nghĩa tường minh và được pháp luật bảo vệ.”
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết các dữ liệu không còn giá trị sẽ được xóa khỏi hệ thống. Chẳng hạn như dữ liệu khai báo y tế, sau 14-28 ngày được thu thập để dùng trong chống dịch sẽ được xóa và có cơ quan giám sát việc này.
Ông Dũng nhấn mạnh: ”Là những người phòng chống dịch, chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật, đồng thời cũng là đạo đức nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu người dùng.”
Bốn diễn giả của CTO Talks số 24 nói về vấn đề bảo mật thông tin người dùng trong việc áp dụng công nghệ số vào phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)
Đứng từ quan điểm của các thành viên “nòng cốt” của các ứng dụng y tế, hỗ trợ trong mùa dịch, tính bảo mật của người dùng cũng đề cao bên cạnh việc thực hiện được mục tiêu chính là phòng chống dịch. CEO của Kompa Group cho biết, dự án Giúp tôi! đã phân loại các dữ liệu thành 3 loại: dữ liệu cá nhân, dữ liệu câu hỏi, hành vi. Trong đó, dữ liệu cá nhân thì được mã hóa toàn bộ mà chỉ người dùng mới có thể đọc được. Ngay cả các nhà phát triển cũng không đọc được các thông tin này.
Trong ngày 17/8 vừa qua, Bộ Công an có thông báo về việc , các phần mềm khai báo y tế chạy liên thông trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân sẽ dùng một mẫu tờ khai y tế do Bộ Công an quản lý. Thứ trưởng TT&TT cho biết việc Bộ Công an vào cuộc trong việc thống nhất chuẩn hóa mã QR trong việc chống dịch đang được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả.