Chia sẻ với phóng viên trong và ngoài nước trong cuộc họp báo cuối cùng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban tổ chức WEF ASEAN 2018, nhấn mạnh: "Tính đến thời điểm này, hội nghị đã thành công toàn diện trên mọi phương diện, đưa thông tin đến cả thế giới. Công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần đều được đảm bảo tốt nhất".
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong các cuộc gặp với những lãnh đạo cấp cao nhất của WEF, họ đánh giá đây là sự kiện mang tầm khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua. Nội dung của sự kiện được đánh giá là phù hợp với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Thông điệp được truyền tải nhiều là các nước cần bắt kịp CMCN 4.0 để không bị tụt hậu lại phía sau.
Trong khi đó, sự kiện WEF ASEAN 2018 diễn ra trong bối cảnh Đông Nam Á đang ngày càng trở thành trung tâm mới của thế giới. Sự kiện cũng thu hút sự quan tâm lớn ở Việt Nam, khu vực và thế giới. 9 lãnh đạo cấp cao nhất của các nước ASEAN đã tham dự hội nghị. Cùng với đó là hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên của WEF.
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn tới hội nghị. Đây là lần đầu tiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự phiên khai mạc của WEF ASEAN. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các phó thủ tướng và 7 bộ trưởng đã tham gia các phiên đối thoại trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Chia sẻ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà sáng lập WEF Klaus Schwab đã đưa ra những con số hết sức ấn tượng. Theo đó, đến trưa ngày 13/9, có 7.890 bài viết trên khắp thế giới về WEF ASEAN 2018. Với 2.100 bài viết trong sự kiện năm 2017, con số này lớn gấp nhiều lần.
Ngoài ra, có 7 triệu lượt tương tác về WEF trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng trên Facebook, có tới 13.000 bài viết, bình luận về Hội nghị. Các phiên thảo luận, được phát trực tiếp trên trang của WEF, đã thu hút hơn 90.000 lượt xem.
Trước đó, đại diện của WEF cũng cho biết nước chủ nhà Việt Nam và phía diễn đàn đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho sự kiện kéo dài từ ngày 11-13/9 ở Hà Nội.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende cũng nhấn mạnh những thành công của hội nghị đồng thời khẳng định ý nghĩa của WEF ASEAN 2018 trong một khu vực được đánh giá là năng động, phát triển nhanh hơn so với các vùng khác trên thế giới.
Đối với Việt Nam, ông Brende cũng đề cao những thành tựu kinh tế, nỗ lực vượt trội với xóa đói giảm nghèo cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. WEF cũng bày tỏ sự hài lòng khi được hợp tác với Việt Nam.
Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác từ năm 1989 và đã cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện quan trọng mang tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia CMCN 4.0.