Thứ trưởng cho biết, tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực để duy trì phát triển mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó, việc phát triển bền vững và đảm bảo nhu cầu năng lượng trong phát triển luôn là nhiệm vụ trọng yếu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng chỉ ra rằng, lĩnh vực năng lượng Việt Nam cần có những điều chỉnh lớn trong định hướng phát triển để phục vụ hiệu quả hơn trong mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Nghị quyết 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ, mặc dù ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước chuyển đổi tích cực, năng động, song vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Ví dụ như: nguồn cung trong nước không đủ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, công tác quản lý khai thác sử dụng tài nguyên năng lượng chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng ngành năng lượng thiếu đồng bộ, thị trường năng lượng chưa thực sự cạnh tranh, thiếu liên thông giữa các phân ngành.
Ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định Nghị quyết 55 đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới, bao gồm việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng phát triển năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là điều tất yếu. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển năng lượng phải đi liền với việc đảm bảo an ninh năng lượng, gắn với bảo vệ môi trường. Ông cho biết để đạt được các mục tiêu này, một trong những chiến lược quan trọng cần được triển khai đó là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng trong kinh doanh.
Ông Hoàng Quốc Vượng nói thêm: "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến, cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó giải quyết được những thách thức tồn tại đã đề cập ở trên".
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010 cũng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã được triển khai trong giai đoạn 2006 đến năm 2015, giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi. Thêm vào đó, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng được đề ra trong giai đoạn 2019 - 2030. Mục tiêu chương trình đề ra là tiết kiệm từ 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn những năm 2025 và đạt từ 8% đến 10% trong cả giai đoạn năm 2019 đến 2030, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi.
Đặc biệt, gần đây nhất, trong tháng 5 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025 với mục tiêu phải tiết kiệm được 2% điện năng tiêu thụ hằng năm.
Ông cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, chiếu sáng công cộng đến tiêu thụ năng lượng công sở của công dân.
Kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới về việc thành công khi xây dụng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm rác thải cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần phải được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cuối cùng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kết luận: "Mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được lồng ghép vào trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch, chiến lược với công nghệ, kỹ thuật quốc gia cũng như là chiến lược về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước".