Vấn đề xăng liên tục tăng giá mạnh trong thời gian gần đây gây nhiều bức xúc trong dư luận và kéo theo nỗi lo lạm phát, tăng giá của thực phẩm, phí vận chuyển… Cụ thể, 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp khiến giá xăng E5 RON 92 đã ở mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá bán lẻ 20.906 đồng/lít. Còn xăng RON95 đang ở mốc 22.347 đồng/lít; dầu diesel ở mức 18.611 đồng/lít.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 17/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân xăng dầu trong nước tăng giá mạnh thời gian qua là do tác động của giá thế giới.
Vị này cung cấp số liệu từ đầu năm đến cuối tháng 9 liên bộ Tài Chính - Công Thương có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với hai lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá.
Để giữ ổn định giá xăng dầu tổng cộng 10 lần này, ông Hải cho biết liên Bộ Tài chính - Công Thương đã phải trích quỹ bình ổn, tổng cộng là hơn 18.000 đồng/lít.
"Tính đến 25/9, Liên Bộ đã chi 5.500 tỷ đồng quỹ bình ổn. Hiện còn 3.100 tỷ đồng. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (hôm 6/10) liên Bộ đã quyết định không trích lập quỹ bình ổn", ông Hải thông tin.
Đặc biệt, để kìm hãm đà tăng, Liên bộ đã quyết định ngừng trích quỹ bình ổn, đồng thời tăng chi sử dụng quỹ. Do đó, đợt điều hành 6/10 đáng lẽ ra xăng phải tăng hơn 1.000 đồng/lít nhưng do xả quỹ nên chỉ tăng 700 đồng/lít.
Vị Thứ trưởng cũng khẳng định đó chính là ưu điểm của quỹ bình ổn giá xăng dầu lâu nay. Nếu không có quỹ này thì thế giới tăng giảm sao, Việt Nam cũng vậy. Việc "thả nổi" giá xăng dầu như ý kiến của một số chuyên gia thì dễ cho cơ quan điều hành song ở Việt Nam có khái niệm "lạm phát kỳ vọng", tức là giá xăng tăng thì nhiều mặt hàng không liên quan giá xăng cũng tăng. Do vậy việc sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết.
Đề cập tới việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Hải cho biết điều này còn phụ thuộc vào giá thế giới và quỹ bình ổn giá còn lại bao nhiêu.
Thứ trưởng nhấn mạnh với việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu theo nghị quyết Thường vụ Quốc hội sẽ đẩy giá xăng tăng thêm 1.000 đồng. "Như vậy vai trò của quỹ bình ổn là rất quan trọng. Muốn tồn tại quỹ thì phải tiếp tục trích nhưng giá tăng cao quá thì lại không trích được. Bộ Công Thương sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo giá để xem xét về vấn đề này", ông Hải cho biết.