Ông Nguyễn Nhật trước câu hỏi của báo chí về các dự án BOT, trong đó nhấn mạnh vào BOT Cai Lậy cho biết thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh kiểm tra về nội dung này, bao gồm: Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành chưa kể đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan. Theo đó, Bộ sẽ tổng hợp toàn diện, trình lên Thủ tướng khi có kết quả.
Về tình hình ở trạm BOT Cai Lậy từ ngày 30/11, Thứ trưởng cho biết theo quy định nếu các trạm ách tắc quá 500m thì phải xả trạm chứ không để kéo dài. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự vụ ở Cai Lậy có nhiều tài xế quá khích, không ủng hộ thu phí tại đây, thậm chí đánh xe đến giữa trạm rồi bỏ xe lại đi chơi.
“Chúng tôi không để tình trạng này kéo dài”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo ông, trong thời gian đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ GTVT đã rà soát lại đặc biệt là dựa vào Thanh tra Bộ Xây dựng và kết luận 475 của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Giao thông. Trên cơ sở đó, ông cho biết đầu tư dự án này không sai.
Đối với một số sai phạm theo kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng cũng như thanh tra Bộ Giao thông, Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đã tiến hành sửa chữa. Về mặt thủ tục, trạm Cai Lậy nằm trong dự án tuyến tránh Cai Lậy chứ không nằm ngoài.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư đã phải cho xả trạm.
Đến 9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Dù vậy, chưa tới một ngày, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả cửa trước việc đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng của tài xế.